Sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại Hải Phòng trở nên phức tạp. Tính đến 16 giờ ngày 21/02/2022, Hải Phòng ghi nhận 53.711 ca nhiễm COVID-19. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số ca mắc ở Hải Phòng luôn đạt mức cao, hơn 1.000 ca mỗi ngày. Số F0 tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải đối với lực lượng y tế.
Trạm y tế lưu động quá tải
Theo báo cáo tại cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19 ngày 14/2 của Sở Y tế thành phố, hiện nay, có 32.423 F0 đang điều trị, trong đó 31.032 ca điều trị tại nhà (chiếm 95,7%). Trước đó, thành phố đã thành lập 226 trạm y tế lưu động để thực hiện việc theo dõi. Trong thời gian vừa qua, số lượng F0 tăng đột biến dẫn đến quá tình trạng quá tải tại các trạm y tế lưu động. Trên địa bàn quận Ngô Quyền, Hải An và Lê Chân có tổng số 35 phường, tương ứng 35 trạm y tế lưu động. Bình quân mỗi trạm y tế theo dõi hơn 300 F0, trong khi số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh liên tục phát sinh, ảnh hưởng đến nguồn lực tại các trạm.
Nói về nỗi vất vả của nhân viên trạm Y tế những ngày này, chị Đinh Thị Nga, nhân viên Trạm Y tế phường Dư Hàng Kênh chia sẻ: “Chúng tôi không có thời gian để thở, làm thông từ Tết đến giờ. Trước Tết vất vả rồi nhưng giờ còn vất vả gấp đôi. Mỗi ngày tôi nhận hàng trăm cuộc gọi trình báo, tư vấn của người dân”.
Nhà thuốc đông nghịt khách
Những ngày này, các hiệu thuốc tại Hải Phòng luôn đông nghẹt người đến mua thuốc điều trị các triệu chứng do COVID-19 gây ra. Theo ghi nhận thực tế, nhiều hộ gia đình có người mắc bệnh nhưng khi khai báo y tế thì được cơ sở y tế địa phương khuyến khích lấy mẫu tại nhà và chủ động mua thuốc. Do đó phần nhiều người dân chọn phương án tự mua thuốc về chữa cho người thân chứ không báo lực lượng chức năng. Vì vậy, các hiệu thuốc trong thành phố luôn chật kín khách. Thậm chí ở nhiều nơi, các F0, F1 còn phải xếp hàng, dàn ra vỉa hè để mua được thuốc chữa trị. Có những ngày, lượng F0 tăng cao, các hiệu thuốc ở trong tình trạng cháy hàng và không nhận khách. Tình trạng này thường xuyên thấy rõ ở các hiệu thuốc lớn khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp và các nhà thuốc lớn trên địa bàn thành phố.
Chị Phạm Thanh Thương, có người thân là F0 phản ánh: “Việc nhà thuốc quá đông và luôn hết thuốc sớm như thế này khiến người nhà người bệnh như chúng tôi không biết phải làm sao. Khi tôi đi mua thuốc cho cháu lớn thì phải dựng xe xếp hàng chờ đến lượt. Giờ đến cháu thứ hai nhiễm, đi mua thì không còn thuốc”.
Các mặt hàng y tế thiết yếu “cháy hàng”
Trong tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng, tâm lý phòng tránh của người dân rất cao. Bên cạnh yêu cầu cần thiết của đơn thuốc chữa trị cho các ca F0, những người chưa mắc bệnh cũng mua nhiều loại thuốc và sản phẩm hỗ trợ để dự phòng. Những người đến mua thuốc vào thời gian chiều muộn đến tối luôn nhận được câu trả lời “hết hàng” cho các nhu cầu mua những mặt hàng như: cồn sát khuẩn, nước muối sinh lý, xịt khử khuẩn mũi, họng… Chị Thu Hằng, chủ một cửa hàng thuốc ở đường Chợ Hàng kể, dạo này cửa hàng của chị luôn trong tình trạng “cháy” các mặt hàng thiết yếu liên quan đến bệnh đường hô hấp, không chỉ riêng bệnh COVID-19. Nhiều người đến mua sớm mua những 4, 5 sản phẩm xịt mũi và cồn sát khuẩn để phòng khi hết không mua lại được. Điều này gây ảnh hưởng đến những F0 đến mua sau, không có hàng để mua.
Trước thực trạng này, toàn thành phố đang dồn sức tích cực chống dịch. Dù triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhưng ý thức tự giác của người dân vẫn luôn là điều quyết định cho hiệu quả thích ứng với dịch bệnh. UBND thành phố Hải Phòng khuyến khích người dân chủ động test nhanh và khai báo với chính quyền địa phương nếu có kết quả dương tính để được hỗ trợ và chăm sóc phù hợp, kịp thời./.
Bài và ảnh: Tiểu Phụng