JN.1, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại “biến thể được quan tâm” khi có khả năng lây lan dễ dàng hơn các biến thể khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20.12 đã phân loại biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên JN.1 là “biến thể được quan tâm”.
Tuy nhiên, bằng chứng hiện tại cho thấy, chủng virus này có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng thấp, Rueters đưa tin.
Theo Reuters, mặc dù chủng virus này có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch và lây truyền dễ dàng hơn các biến thể gây COVID-19 khác, nhưng nó không có dấu hiệu nào khiến cho người bệnh rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Theo Andrew Pekosz, nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), mặc dù biến thể này có thể có tầm lây lan lớn hơn, nhưng JN.1 không gây ra rủi ro lớn cho sức khoẻ cộng đồng.
JN.1 trước đây được phân loại là một biến thể của dòng virus gốc BA.2.86, nhưng hiện tại, WHO đã phân loại nó là một biến thể được quan tâm riêng biệt.
Tổ chức này cho biết, các loại vaccine hiện tại vẫn có thể tiếp tục bảo vệ người nhiễm virus khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong do JN.1 cũng như các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, biến thể phụ JN.1 chiếm khoảng 15% đến 29% số ca COVID-19 mới ở Mỹ, tính đến ngày 8.12.
Đồng thời, tổ chức này cũng chỉ ra rằng, hiện không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể khác của SARS-CoV-2.
Biến thể JN.1 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 9.2023, theo CDC. Tuần trước, Trung Quốc đã phát hiện 7 ca nhiễm biến thể phụ này.
Anh Vũ