Print Thứ Bảy, 31/10/2020 13:52 Gốc

100 năm, đi qua hai cuộc chiến tranh, trường Bonnal – Bình Chuẩn xưa, trường THPT Ngô Quyền nay vẫn vẹn nguyên, chứng kiến từng thời khắc quan trọng trong lịch sử dân tộc, cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố Cảng Hải Phòng.

Trong chuỗi hoạt động sôi nổi, ấn tượng nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường (15-10-1920*15-10-2020), Chuyên đề “Tiếp bước những người anh hùng” do Tổ Sử – Địa – GDCD trường THPT Ngô Quyền xây dựng đã giới thiệu cho học sinh khóa 100 của nhà trường hiểu thêm về truyền thống Yêu nước – cách mạng của Thày và trò nhà trường trong một thế kỷ qua các tấm gương Anh hùng tiêu biểu từng học tập và hoạt động cách mạng tại ngôi trường này.

Trường THPT Ngô Quyền tổ chức chương trình “Tiếp bước những người anh hùng” ôn lại truyền thống 100 năm.

“Địa chỉ đỏ” của phong trào yêu nước

Những năm đầu thế kỷ XX, khi chính quyền Pháp xây dựng Hải Phòng thành một thành phố cảng cửa ngõ của miền Bắc Đông Dương, nhằm đào tạo một lớp người bản địa phục vụ cho việc cai trị nên thực dân Pháp đã cho mở trường học tại đây. Trong hoàn cảnh đó, trường tiểu học Bonnal – tiền thân của Trường THPT Ngô Quyền ra đời – là ngôi trường duy nhất dành cho con em người Việt tại khu vực miền Duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù nằm dưới sự bảo hộ của Pháp, thế nhưng trường Bonnal đã trở thành địa chỉ gieo những “hạt giống đỏ” của phong trào yêu nước, cách mạng. Nơi đây đã ghi dấu tên tuổi của rất nhiều con người. Đó là Nguyễn Văn Hới, cựu tù chính trị Côn Đảo, Bí thư đầu tiên của Tỉnh uỷ Nam Định. Là Vũ Văn Hiếu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bí thư đặc khu uỷ đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh…

Các hoạt cảnh sinh động do các em học sinh nhà trường biểu diễn.

Sinh ngày 20-3-1907 tại Nam Định, năm 15 tuổi, Vũ Văn Hiếu đã tốt nghiệp Tiểu học Pháp – Việt và được tiếp tục học bậc Thành Chung tại trường Bonnal. Ở mái trường này, Vũ Văn Hiếu đã được tiếp xúc với những người thầy yêu nước, những con người có cùng chung chí hướng đã định hình nên mục tiêu, lý tưởng của cậu thanh niên ngày ấy. Năm 1928, khi đang học nghề ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Vũ Văn Hiếu bị đuổi học cùng 30 bạn đồng môn vì hưởng ứng phong trào học sinh, sinh viên đòi dân chủ, đòi chính quyền bảo hộ Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và phải ra Hòn Gai làm phu mỏ. Tháng 4-1930, Đảng ủy khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả được thành lập do Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Từ năm 1931 đến năm 1940, ông nhiều lần sa vào tay giặc. Đầu năm 1941, ông lại bị bắt và thực dân Pháp lại đày ông ra Côn Đảo lần thứ hai, giam cùng các đồng chí Lê Duẩn và Nguyễn Văn Linh. Vở kịch “Kỷ vật trái tim” của chương trình đã mang lại những phút giây xúc động trước khí phách và tấm lòng yêu thương đồng đội của người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy.

Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP (học sinh lớp 10A8 niên khoá 1980-1983) kể lại những ký ức không thể nào quên dưới mái trường THPT Ngô Quyền.
Cô giáo Cao Tố Nga, Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa vị khách mời.

Một người học trò ưu tú khác là Nguyễn Văn Cúc, sau này là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được khắc họa trong chương trình bằng chính những bút tích ông để lại.Những đoạn trong thư ông gửi về trường: “Nhiều thầy học đã nhiệt tình và khéo léo truyền cho tôi và nhiều bạn học lòng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn đế quốc, thực dân phong kiến. Có thầy đã cho canh gác rồi đọc cho cả lớp nghe các bài báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam hồn” của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Tôi và một số bạn đã bí mật tham gia vào “Học sinh đoàn” do “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, sau trở thành “Đảng Cộng sản Việt Nam”, tổ chức và lãnh đạo. Ngày 1-5-1930, tôi và hai bạn đi rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế lao động đã bị bắt, bị xử tù chung thân phát lưu đầy ra Côn Đảo, khi chúng tôi mới 15-16 tuổi! Côn Đảo, cái địa ngục trần gian ấy đã trở thành một trường học đào tạo cả về văn hoá và đặc biệt là về cách mạng cho chúng tôi. Nhờ nhà trường Bonnal, nhờ “nhà trường Côn Đảo”, tôi và nhiều người đã trưởng thành, đã trở nên những người cách mạng hữu ích cho đồng bào, cho Tổ quốc”… đã giúp thế hệ trẻ lý giải ngọn nguồn của tình cảm yêu nước, cách mạng trong ông.

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của nhà trường tham quan phòng truyền thống.

Hơn 20 năm, ngôi trường do thực dân Pháp lập ra phục vụ cho mục đích cai trị nhưng nơi đây đã “thắp lửa”, thức tỉnh lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng cho các thế hệ học sinh Bonnal, cho phong trào cách mạng cả nước. Dưới sự dẫn dắt của những người thầy giàu tinh thần dân tộc, như: thầy giáo Hoàng Ngọc Phách, thầy giáo Lê Xuân Phùng, thầy giáo Nguyễn Hữu Tảo, cụ cử Phạm Tài Luyện và còn nhiều các thầy giáo khác. Họ đã định hướng, tập hợp, góp phần hình thành nên các tổ chức học sinh sinh viên đầu tiên của Việt Nam, đó là Liên đoàn Hướng đạo Quang Trung trong học sinh, Hội ái hữu học sinh, đoàn Rồng… nhằm tập hợp và giáo dục tinh thần yêu nước cho họ.

Trực tiếp tham gia những hoạt động của Việt Minh những năm 40 của thế kỷ XX, nhạc sĩ Văn Cao không trở thành tướng lĩnh, nhà chính trị, không được phong tặng danh hiệu Anh hùng nhưng ông là “Người viết nên Giai điệu Tổ Quốc”. Nhạc sỹ Văn Cao với các tác phẩm “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”… đã truyền lời hiệu triệu, nhiệt huyết đến biết bao thanh niên yêu nước…

Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP (học sinh lớp 10A8 niên khoá 1980-1983) bên góc ký ức về anh tại phòng truyền thống của nhà trường.

Quyết tâm xây đắp quê hương xứng danh Ngô Quyền

Kháng chiến 9 năm, Hải Phòng trở thành một lò lửa sôi sục, nhiều học sinh Bonnal – Bình Chuẩn lại lên đường, họ không kịp về nhà chào cha mẹ, theo luôn các anh Vệ quốc ra đi ngay từ mảnh sân trường quen thuộc ấy. Trường Bonnal cũng là nơi một vị danh tướng huyền thoại đã từng học, đó là Trung tướng Nguyễn Bình. Ông là vị tướng đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tướng và cấp bậc hàm của ông đứng thứ hai chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đất nước đứng trước thế gian nan, ông đã được Bác Hồ tin tưởng: “Bác giao cả miền Nam cho chú”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về ông: “Trung tướng Nguyễn Bình là một vị tướng có công lao lớn với quân đội và nhân dân không những ở chiến khu Đông Triều mà cả trong thời kỳ đảm nhiệm trọng trách ở Nam Bộ“. Còn rất nhiều cựu học sinh của Bonnal – Ngô Quyền đã trở thành những tướng lĩnh góp công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ: Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Thiếu tướng Trịnh Đình Cửu, Thiếu tướng Nguyễn Duy Thái, Thiếu tướng Đinh Tích Quân

Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP (học sinh lớp 10A8 niên khoá 1980-1983) và cô giáo chủ nhiệm của anh.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, biết bao học sinh Ngô Quyền đã vào Nam chiến đấu, máu xương và thanh xuân của nhiều học sinh Ngô Quyền đã đổ xuống cho đất nước hôm nay được hòa bình, hạnh phúc: là Liệt sĩ Trần Sĩ Thể, Liệt sĩ Nguyễn Thái Việt, Liệt sĩ Lê Công Kỳ, Liệt sĩ Phạm Hồng Thoả,Liệt sĩ Ngô Kim Hà, Liệt sĩ Trần Công Tường, Liệt sĩ Trần Ngọc Đang, Liệt sĩ Hoàng Ích, Liệt sĩ Nguyễn Kim Bình… Và, đặc biệt có một người học trò đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là người trẻ nhất được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên; đó là Liệt sĩ Hoàng Kim Giao học sinh niên khoá 1958 – 1960 với lẽ sống cao đẹp “Sống để yêu thương và dâng hiến”!

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên đất nước độc lập tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn của thời kì hậu chiến nhưng thầy trò nhà trường vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, hăng say học tập và lao động. Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ giáo viên đã ngày đêm tận tụy bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu; vừa không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tích cực góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đạt nhiều thành tích viết tiếp lịch sử đáng tự hào của ngôi trường.

Sau nhiều năm trở lại, nhiều người rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm dưới mái trường.

Tại chương trình, các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường đã giao lưu, nghe Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP (học sinh lớp 10A8 niên khoá 1980-1983) kể lại những ký ức không thể nào quên dưới mái trường, nơi anh đã được cô giáo chủ nhiệm định hướng vào nghề Công an, nơi anh viết bức thư tình đầu tiên cho người phụ nữ sau này cùng anh đi hết cuộc đời… Quan trọng hơn, tiếp bước những tấm gương đi trước, anh cùng đồng đội vẫn cống hiến hết mình vì bình yên cho nhân dân thành phố Cảng, không ngại gian khổ, hy sinh. Đại tá Lê Hồng Thắng gửi gắm niềm tin ở thế hệ học sinh hiện tại, tin rằng các em sẽ viết tiếp truyền thống đáng tự hào của ngôi trường bằng trí tuệ và sức trẻ.

100 năm, cùng hai cuộc chiến tranh đằng đẵng và ác liệt, ngôi trường vẫn ở đó vẹn nguyên từng vuông đất, chứng kiến sự biến chuyển của thời cuộc và dân tộc, cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố Cảng Hải Phòng. Giữa cuộc đời đầy biến động, vô thường, người ta càng quý hơn những giá trị nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn con người, từ đó chắp cánh cho bao thế hệ toả bay, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và tạo dựng những giá trị mới của cuộc sống. Người Hải Phòng yêu và tự hào về trường Bonnal – Bình Chuẩn xưa, trường THPT Ngô Quyền nay là vì thế”, cô giáo Cao Tố Nga, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

HẢI HẬU

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Truyền thống yêu nước – cách mạng qua tấm gương những anh hùng từng học tập và hoạt động cách mạng tại ngôi trường trăm tuổi
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác