Print Thứ Tư, 05/03/2025 19:13 Gốc

Chiều 5/3, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng là Trưởng đoàn làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố về việc thực hiện Thông tư số 29 ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tham dự cuộc làm việc có đại diện Công an thành phố, các Phòng chuyên môn thuộc Sở; Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thành phố Thủy Nguyên; Hiệu trưởng các Trường học trên địa bàn thành phố.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, Sở đã tổ chức họp với Hiệu trưởng các Trường THPT và Phòng giáo dục quận, huyện, thành phố để tuyên truyền, quán triệt nội dung Thông tư, đảm bảo hiểu đúng và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, Sở cũng tiếp nhận ý kiến từ các cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh để có những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, trước và sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở GD&ĐT đã thành lập các Đoàn kiểm tra, tiến hành giám sát việc phổ biến và triển khai Thông tư tại một số cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm báo cáo tại cuộc làm việc.

Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc, đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, đảm bảo chất lượng giảng dạy và tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu. Các trường không được sử dụng bất kỳ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Cùng với đó, việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình, không tạo áp lực khiến học sinh phải học thêm để vượt qua các kỳ thi, bài kiểm tra. Hiện tại, các trường đã cho phép học sinh cuối cấp đăng ký tự nguyện học bồi dưỡng, với 2 tiết/môn/học sinh được dạy miễn phí (có phân tách đối tượng). Đồng thời, các trường cũng tăng cường các hoạt động giáo dục tập thể, rèn luyện thể dục thể thao, văn nghệ, tổ chức câu lạc bộ sở thích vào các buổi chiều và phát động phong trào tự học trong học sinh. Hiện, Sở đang Dự thảo Quyết định về quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, gửi đến các Sở, ban, ngành và địa phương để lấy ý kiến hoàn thiện.

Cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đều bày tỏ đồng thuận cao với Thông tư 29 và khẳng định toàn ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của thông tư này; thông tư giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định; thông tư cũng góp phần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, giảm bớt sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các học sinh, hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm cho chính các học sinh đang dạy trên lớp, gây mất công bằng trong đánh giá và giảng dạy. Đại diện các trường học trên địa bàn cũng chia sẻ một số kinh nghiệm tăng cường năng lực tự học cho học sinh, quản lý các em ngoài giờ học tại nhà trường… Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Giáo dục và Hiệu trưởng các Trường cũng chia sẻ, việc thực hiện Thông tư 29 còn gặp một số khó khăn, đặc biệt trong quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhất là với các lớp học tự phát, cơ sở dạy thêm chưa đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng và ngành giáo dục, đồng thời cần nguồn lực, nhân lực đủ mạnh. Trong khi đó, nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh vẫn cao, đặc biệt đối với các môn học quan trọng trong các kỳ thi.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chủ trương cấm dạy thêm học thêm tràn lan đã có từ nhiều năm nay, song thực hiện chưa triệt để do nhiều yếu tố như điều kiện học tập, cơ sở vật chất không đồng đều giữa các địa phương, còn tồn tại áp lực thành tích… Tuy nhiên, đã đến thời điểm, cần thực hiện dứt khoát để chấm dứt tình trạng dạy này và tạo ra môi trường giáo dục sáng tạo, toàn diện, nâng cao năng lực tự học, khả năng tiếp cận, giải quyết vấn đề cho các em học sinh, đưa các em ra khỏi “vùng an toàn”, tự tin đối diện với những thách thức. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ngành Giáo dục đào tạo Hải Phòng cần triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông, chuyên môn, tăng cường cơ sở vật chất, bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên, đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra. Ngành GD&ĐT thành phố cần quyết tâm đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo hướng phát huy năng lực, tính tích cực và chủ động của học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục, đổi mới phương thức tuyển sinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong sự nghiệp giáo dục. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc hướng dẫn, truyền cảm hứng, giúp học sinh tự học, tự giác, chủ động trong học tập.

Năm học 2024-2025, thành phố Hải Phòng có 748 cơ sở giáo dục (633 cơ sở giáo dục công lập, 119 cơ sở giáo dục tư thục); 357 Trung tâm ngoại ngữ, cơ sở ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, bồi dưỡng kiến thức ngoài giờ chính khóa. Toàn thành phố có 19.737 giáo viên và 538.297 học sinh./.

Minh Hảo

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng triển khai thực hiện Thông tư 29 đảm bảo hiệu quả, sát thực tiễn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
Fanpage Facebook
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác