Các đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ và tìm được khe hở, để lợi dụng chính sách cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nợ tiền thuế nhập khẩu và VAT trong thời hạn 30 ngày. Từ đây liên minh “ma quỷ” đã hình thành, lập nên những công ty “ma”, để nhập khẩu xe ô tô từ Hàn Quốc về Việt Nam. Làm thủ tục Hải quan xong, các đối tượng liền bán hết xe, thu tiền, không nộp thuế, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh.
Từ những món nợ
Cuối năm 2003 và đầu năm 2004, bằng nhiều biện pháp nhưng Hải quan Hải Phòng vẫn không thu nổi 765.689.200 đồng tiền thuế nhập khẩu và VAT của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Thành Công, Hà Nội. Cuối cùng, tháng 3-2004, đơn vị đã đề nghị Phòng Cảnh sát Điều tra – CATP Hải Phòng vào cuộc.
Tuy nhiên, các trinh sát không thể tìm ra manh mối địa chỉ của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Thành Công ấy. Không nản, qua nhiều ngày nghiên cứu tài liệu, xác minh, các điều tra viên phát hiện: nhân viên của Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp, thuộc Công ty Thiết bị phụ tùng Hải Phòng biết rất rõ người đại diện cho Công ty TNHH Thành Công. Xí nghiệp này còn bảo hộ cho chủ hàng 2 chiếc xe tải và mua 1 chiếc xe khách trong lô hàng.
Lần tìm theo hồ sơ, các điều tra viên đã xác định được danh tính Phó Giám đốc Công ty là Đỗ Văn Trung, sinh 1973, ở Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đến nơi, sự thật được phơi bày, Đỗ Văn Trung đang làm thợ xây. Người này cho biết từng bị mất chứng minh nhân dân…
Đang phân vân, Tổ công tác nhận tin từ Hải quan cho biết: Kẻ mạo danh Đỗ Văn Trung đang nhờ Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp làm thủ tục nhập tiếp 1 lô xe qua cửa khẩu Hải Phòng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra viên đã buộc đối tượng phải lộ diện. Đó là Lâm Văn Khang, tức Long, sinh 1976, trú tại Trung Chính, Lương Tài, Bắc Ninh. Nhưng có điều Khang một mực khẳng định không biết Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Thành Công và chẳng biết vị Giám đốc Công ty là ai.
Hóa đơn thuế GTGT (ảnh minh họa về)
Tại Cơ quan Công an, trong khi Lâm Văn Khang vẫn quanh co che giấu thân phận “Phó Giám đốc Trung” và sự thật về Công ty Thành Công, thì Xí nghiệp Kinh doanh nghiệp vụ tổng hợp cung cấp cho Cơ quan điều tra nhận được thông tin “quý”: Thời điểm Khang đang làm thủ tục Hải quan nhập khẩu 6 ô tô cho Công ty Thành Công, đói tượng còn thuê Xí nghiệp làm thủ tục nhập khẩu 3 lô xe ô tô gồm 22 chiếc cho Công ty Hoàng Phương – một doanh nghiệp ở phía Nam.
Cùng với đó, Khang thuê Công ty Đầu tư thương mại và Dịch vụ Thắng Lợi, TP. Hà Nội – Chi nhánh tại Hải Phòng làm thủ tục lô hàng nhập khẩu gồm 7 chiếc xe tải trị giá 32.582 USD cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Triệu Phát, TP. Hồ Chí Minh.
Ngay lập tức, tin này được Phòng Cảnh sát Điều tra – CATP Hải Phòng chuyển tới Cục Hải quan Hải Phòng. Hai đơn vị đã tạm giữ lô hàng trên, để làm rõ “thân phận” của Công ty Hoàng Phương và Triệu Phát.
Theo các tờ khai Hải quan: từ ngày 17-12-2003 đến 31-12-2003, Công ty Hoàng Phương đã nhận 4 lô hàng gồm 24 xe ô tô, sau nhiều tháng vẫn chưa nộp một đồng nào trong tổng số 2.706.407.950 đồng tiền thuế nhập khẩu và VAT. Công ty Triệu Phát từ ngày 17-2-2004 đã nhập 6 lô hàng gồm 29 chiếc xe ô tô, bán trót lọt 21 chiếc, nhưng cũng chưa nộp một đồng tiền thuế nào trong khoản 1.189.018.933 đồng phải nộp.
Tiến hành điều tra, Phòng Cảnh sát Điều tra – CATP Hải Phòng phát hiện người nhờ Khang và Công ty Thắng Lợi, TP. Hà Nội làm thủ tục nhập khẩu 7 xe ô tô cho Công ty Triệu Phát tên là Nguyễn Việt Tài, sinh 1948, trú 8/299 Tây Sơn, TP. Hà Nội.
Tài cũng là người đứng ra nhờ Khang và Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp làm thủ tục nhập khẩu 3 lô hàng gồm 22 xe ô tô cho Công ty Hoàng Phương. Tìm được đối tượng, Tài cho biết: Tài là người làm thuê, nhận tiền công, xong không liên quan nữa. Còn Giám đốc Công ty Hoàng Phương là Võ Hồng Sơn. Đây là người trực tiếp thuê kho bãi và bán xe nhưng cũng không biết ông ta ở đâu.
Tưởng tìm được manh mối mới, ai ngờ lại đi vào bế tắc, song nhờ sự kiện trì, các điều tra viên tìm được mắt xích khác: trong số 24 ô tô Công ty Hoàng Phương mua về thì có 2 chiếc được nhập khẩu qua Cảng Sài Gòn. Người trực tiếp làm thủ tục Hải quan là Lê Quốc Kiệt, sinh 1980, trú 39 Bác Ái, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Từ đầu mối này, điều tra viên có thêm cái tên “chốt” đã mở nút tất cả: Trần Thanh Điệp, sinh 1980, trú ở 59/75 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Tại Cơ quan Công an, Điệp khai: anh ta được Nguyễn Viết Bằng, sinh 1960, ở 83/55 Tôn Đản, phường 14, quận 4, TP. Hồ Chí Minh thuê làm thủ tục nhập khẩu lô xe qua cảng Sài Gòn với giá 2.800.000 đồng/xe nhỏ, 4.000.000 đồng/xe to. Vì Kiệt cùng quê nên Điệp rủ làm cùng.
Qua thông tin quan trọng này, ngày 28-5-2004, Cơ quan CSĐT – CATP Hải Phòng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Lâm Văn Khang và Nguyễn Việt Tài. Qua đấu tranh, Tài thú nhận mình là anh ruột của Bằng. Tài là người làm thủ tục, bán xe thuê cho Bằng để hưởng tiền công. Biết rõ Bằng không nộp thuế cho số xe ô tô nhập khẩu nhưng vì tình anh em, Tài không khai báo thành khẩn.
Lộ diện kẻ đứng sau
Qua lời khai của Tài và Khang, ngày 14-6-2004, Cơ quan CSĐT – CATP Hải Phòng đã thực hiện lệnh bắt Nguyễn Viết Bằng. Nguyễn Viết Bằng quê Nghệ An, vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nhờ tài trí, sự nhanh nhẹn, hắn thành lập và làm Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sông Lam.
Nhiều năm kinh qua thương trường, sau khi nghiên cứu chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu và VAT, Bằng quyết định thành lập các công ty “ma”, sử dụng tư cách pháp nhân của các công ty này để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về và trong thời gian được nợ thuế phải nhanh chóng tẩu tán, bán hàng. Và để tránh cơ quan chức năng sờ “gáy”, Bằng cũng nhanh chóng tẩu tán toàn bộ công ty “ma”.
Muốn thành lập công ty thì phải có sổ hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân, Bằng đã nhờ Nguyễn Văn Nhân, sinh 1962, cùng quê Nghệ An đang tạm trú tại tổ 85, phường 15, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh “lo” khâu này và cho Nhân 6.000.000 đồng, nếu Nhân “xoáy được 1 quyển sổ hộ khẩu và 1 chứng minh nhân dân”.
Trong thời gian ngắn, theo ý Bằng, Nhân đã hô “biến” 1 quyển sổ hộ khẩu gốc thành Phùng Hữu Hoàng, địa chỉ: 31/17 Nguyên Hồng, phường 11, quận Gò Vấp, (giữ nguyên tên phố, phường, quận). Sau đó, Bằng đưa cho Nhân 2 tấm ảnh của Cao Thanh Hải, sinh 1958, trú tại 120 Hàm Nghi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh là người quen của Bằng và bảo Nhân làm CMND giả tên Phùng Hữu Hoàng, địa chỉ như trong hộ khẩu.
Có được hộ khẩu, cùng CMND giả, Bằng thuê luật sư làm hồ sơ thành lập Công ty TNHH XNK Hoàng Phương ở Bình Dương, có 2 thành viên là người không có thật, gồm Giám đốc Phùng Hữu Hoàng và Nguyễn Thanh Phương, ở khu 14 Long Đức, Long Thành, Đồng Nai.
Trên cơ sở đó, Bằng nhờ Cao Thanh Hải giả danh là Phùng Hữu Hoàng làm thủ tục hành chính. Hoàn thành bước tiếp theo, tránh bị lộ, Bằng quyết định rút Cao Thanh Hải và tự ra quyết định “bổ nhiệm” thêm một người không có thật là Võ Hồng Sơn làm Giám đốc Công ty.
Thông qua các quan hệ, Bằng đã tìm được mối mua xe, thuê Nguyễn Việt Tài và Trần Thanh Điệp làm thủ tục hải quan, giao cho Lê Duy Định, sinh 1964, là nhân viên Công ty Sông Lam làm nhiệm vụ bán xe. Khi sắp xếp xong, Bằng đã mạo danh Võ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Phương ký 4 hợp đồng ngoại thương mua với Hàn Quốc 24 xe ô tô các loại trị giá 107.730 USD. Bằng thanh toán theo phương thức: nhờ thu qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Sài Gòn, rồi nhập khẩu số xe trên về Việt Nam.
Sau khi biết người bán đã chuyển 4 lô xe cho mình (3 lô về Cảng Hải Phòng, 1 lô về Cảng Sài Gòn) và chuyển 4 bộ chứng từ nhập xe về ngân hàng, Bằng vay tiền, nhờ Nhân đêm đến ngân hàng trả cho phía nước ngoài với tổng số tiền là 1.310.197.000 đồng (tương đương 107.703 USD).
Nhận được 4 bộ chứng từ nhập khẩu xe theo các vận đơn, Bằng mạo danh Võ Hồng Sơn ký các giấy tờ cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan và chuyển số giấy tờ này cùng 3 bộ chứng từ nhập khẩu xe cho Nguyễn Việt Tài, 1 bộ cho Điệp.
Nguyễn Việt Tài nhờ Lâm Văn Khang, còn Trần Thanh Điệp đã nhờ Lê Quốc Kiệt làm thủ tục hải quan nhập khẩu ô tô. Dưới sự chỉ đạo của Bằng, chỉ trong 2 tháng, 21 xe ô tô nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng đã được bán hết, thu 2.594.000.000 đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh, Điệp nhận được xe bèn chuyển cho Định để Định bán hết số xe này, thu tiền trả cho Bằng. Sau phi vụ này, Bằng đút túi hàng tỷ đồng, còn Công ty Hoàng Phương cũng hết vai trò, bị xóa sổ.
Ổ tô nhập khẩu qua cảng. Ảnh minh họa
Thời gian này, thấy có người chào bán Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Triệu Phát, TP. Hồ Chí Minh với giá 50.000.000 đồng. Bằng nảy sinh ý định mua Triệu Phát thay pháp nhân cho Hoàng Phương, tiếp tục nhập khẩu xe để chiếm đoạt tiền thuế. Trợ thủ Nguyễn Văn Nhân lại ra tay.
Nhân dùng sổ hộ khẩu thó được của một người để nhập khẩu cho ba người không có thật, trong đó có một “người” CMND lấy tên, địa chỉ là là Nguyễn Viết Hùng, sinh 1957, trú Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An. Có những thứ đó trong tay, Bằng dễ dàng mua lại Công ty Triệu Phát. Bằng lại nhờ Cao Thanh Hải đưa Nguyễn Minh Phương, sinh 1958, trú khối 3, phường Thu Thủy, Cửa Lò, Nghệ An đang ở TP. Hồ Chí Minh đội lốt Nguyễn Viết Hùng đến Cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển nhượng Công ty Triệu Phát.
Bằng cũng quyết định bổ nhiệm thêm một người không có thật tên là Lê Thanh làm Giám đốc Công ty. Y như lần trước, Bằng sử dụng pháp nhân của Công ty Triệu Phát để chiếm đoạt thuế. Hắn mạo danh lãnh đạo Công ty ký 7 hợp đồng ngoại thương mua ô tô, rồi nhập số xe trên về Việt Nam qua Cảng Hải Phòng.
Xe về Việt Nam, Bằng nhờ Nhân đem tiền trả cho người bán xe thông qua Ngân hàng với số tiền là 2.695.606.000 đồng (tương đương 170.405 USD) và nhận bộ chứng từ nhập khẩu xe. Trong số 22 chiếc xe được nhập về Cảng Sài Gòn thì 21 chiếc hoàn thành thủ tục Hải quan, Bằng đã giao cho Định bán hết số xe này thu tiền trả Bằng, đã bị Cơ quan chức năng phát hiện tạm giữ và 1 chiếc xe ở Cảng Sài Gòn không được cấp tờ khai nguồn gốc.
Như vậy, nếu không tính số tiền thuế của 8 xe bị thu giữ, thì sau 9 lần sử dụng pháp nhân của 2 Công ty Hoàng Phương và Triệu Phát nhập khẩu xe, Bằng và đồng bọn đã chiếm đoạt đổng cộng 6.113.589.311 đồng tiền thuế.
Từ những tài liệu thu được, Phòng Cảnh sát Điều tra – CATP Hải Phòng đã khởi tố vụ án, tiến hành bắt giữ các đối tượng có liên quan.
TRỌNG CÁT