Print Chủ Nhật, 06/04/2025 10:45

Sáng 6/4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với cả 2 chỉ số nêu trên, thành phố Hải Phòng đều đứng ở vị trí thứ nhất.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – Ảnh: VGP/NB

Hải Phòng lần đầu dẫn đầu cả nước ở cả hai chỉ số

Thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024) với kết quả đạt 96.17%, cao hơn 4.30% và tăng 01 bậc xếp hạng so với năm 2023.

Đây là lần thứ 2 thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (lần gần nhất là năm 2021). Trong lịch sử 13 năm đánh giá thì Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp thành phố Hải Phòng tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới. Năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch

Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) của thành phố Hải Phòng đạt 90,59%, tăng 1,69%, lần đầu tiên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng.

Trong đó, Hải Phòng cũng đứng đầu cả nước về mức độ hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công.

Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách năm 2024

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn. Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra trong năm qua. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.

Tuy nhiên, thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 cũng đã chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ CCHC còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân. Đây là cũng là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà ước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Qua thực tiễn triển khai, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kết quả đánh giá, xếp hạng dần trở thành một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự đổi mới tư duy, hành động sáng tạo, góp phần đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index 2024
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
Fanpage Facebook
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác