Do thiếu vùng nguyên liệu tại chỗ, làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương ở huyện Tiên Lãng đứng trước nguy cơ thất truyền khi hộ làm nghề cuối cùng đã treo go dệt.
Hộ cuối cùng treo go dệt
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin về nghề dệt chiếu cói, bà Phạm Thị Nghìn, ở thôn Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng ngậm ngùi: “Tôi học dệt chiếu cói từ năm 24 tuổi khi về Lật Dương làm dâu. Công việc dệt chiếu đem lại thu nhập khá giúp vợ chồng tôi nuôi các con khôn lớn.
Trước đây chăm chỉ, mỗi ngày vợ chồng tôi dệt được 3-4 lá chiếu, kiếm được 300-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thu nhập từ nghề sút giảm do giá cói tăng cao, mỗi lá chiếu chỉ đem lại số tiền công 30-35 nghìn đồng. Vì thế, từ cuối năm 2022, tôi cùng chồng tháo chiếc go dệt chiếu gắn bó gần 50 năm cất kỹ mong có ngày thu nhập từ dệt chiếu tăng lên, con cháu sẽ tiếp tục theo nghề truyền thống”.
Ông Phạm Văn Liên, Giám đốc HTX Chiếu cói Lật Dương, cho biết, nghề dệt chiếu cói Lật Dương có từ hơn 300 năm trước, được TP.Hải Phòng công nhận làng nghề truyền thống năm 2007. Giai đoạn nhộn nhịp nhất của làng nghề khoảng từ năm 1980 đến năm 2005. Khi ấy, cả làng có hơn 450 go dệt với khoảng 90% số hộ trong làng làm nghề (hơn 300 hộ).
Từ năm 2007, khi cụm công nghiệp Tiên Lãng được thành lập, lớp thanh niên ở Lật Dương bỏ go dệt chiếu để đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Thêm con rươi ngày càng có giá, những vùng trồng cói ở huyện nhà và huyện Vĩnh Bảo lân cận bị phá bỏ để làm đầm rươi. Người làm nghề dệt chiếu phải sang tỉnh Thái Bình, thậm chí đến cả tỉnh Thanh Hóa để thu mua cói.
Do vận chuyển từ xa về đẩy giá cói lên cao trong khi giá bán chiếu dù có tăng nhưng không tương xứng, thu nhập từ nghề dệt chiếu giảm xuống chỉ còn bằng một nửa, thậm chí bằng 1/5 so với trước. Mỗi thợ dệt chiếu lành nghề làm việc cật lực từ 5 giờ sáng đến tối chưa kiếm được nổi 100 nghìn đồng/ngày. Vì thế, người người, nhà nhà lần lượt “treo go”, chỉ còn vợ chồng bà Nghìn còn “sống chết” với nghề dệt chiếu truyền thống.
Cuối năm 2022, vợ chồng bà Nghìn tháo go cất đi, cả thôn Lật Dương không còn hộ nào dệt chiếu. Để mưu sinh, nhiều hộ chuyển sang mua buôn chiếu từ tỉnh Thái Bình rồi đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán lẻ. Tiếng rao “Ai chiếu cói Lật Dương” quen thuộc với người dân Hải Phòng giờ chỉ còn trong ký ức.
Xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ để cứu làng nghề
Để cứu làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, chính quyền địa phương, nhất là HTX Chiếu cói Lật Dương xoay xở “trăm phương nghìn kế”. Theo lời ông Phạm Văn Liên, Giám đốc HTX Chiếu cói Lật Dương, hàng năm, UBND xã Quang Phục, HTX Chiếu cói Lật Dương phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Tiên Lãng, Liên minh HTX và Doanh nghiệp Hải Phòng mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề dệt chiếu, trung bình mỗi lớp có 30-35 học viên theo học. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, không còn học viên nào đăng ký theo học.
Để tăng năng suất, hiệu quả lao động giúp cải thiện thu nhập cho thợ dệt chiếu, hơn 10 năm trước, HTX Chiếu cói Lật Dương đề xuất và được Tp.Hải Phòng hỗ trợ 50% số tiền 115 triệu đồng mua máy dệt chiếu cói. Thế nhưng, do giá nguyên liệu đầu vào cao, chiếu cói Lật Dương không cạnh tranh được với chiếu cói Thái Bình, Thanh Hóa, nên chỉ hoạt động được hơn 2 năm, máy dệt chiếu nằm “đắp chiếu” đến nay.
Ông Phạm Văn Liên cho rằng, để làng nghề dệt chiếu cói truyền thống Lật Dương khỏi thất truyền, quan trọng nhất phải xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành đầu vào, qua đó nâng cao thu nhập cho thợ dệt chiếu. “Năm 1999, tôi được mời cùng đoàn công tác của huyện Tiên Lãng xuống vùng Cống Rộc, ở xã Vinh Quang cùng huyện để khảo sát xây dựng vùng trồng cói cung cấp nguyên liệu cho làng nghề Lật Dương. Tuy nhiên, sau chuyến đi đó, mọi chuyện rơi vào quên lãng cho đến nay”, ông Liên buồn rầu.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Quang Phục, cho biết, song song xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, để bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, chính quyền Tp.Hải Phòng và huyện Tiên Lãng cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hơn nữa giúp các hộ trở lại làm nghề. Tiếp đó, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của làng nghề, tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời, xem xét xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối các làng nghề, trong đó có làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, xây dựng sản phẩm chiếu cói Lật Dương thành mặt hàng quà lưu niệm…
Tân Thắng