Sáng 3/5, UBND thành phố tổ chức khởi công Dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, sử học.
Về phía thành phố Hải Phòng, có các đồng chí: Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan.
Dự án gồm hai hạng mục: khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, có tổng mức đầu tư hơn 427,5 tỷ đồng, do UBND huyện Thủy Nguyên làm Chủ đầu tư dự án, dự kiến thi công trong thời gian 135 ngày từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Lễ Khởi công là sự kiện ý nghĩa, đồng thời cũng là hoạt động đặc biệt thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5 lịch sử; đặc biệt là dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955-13/5/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Phát biểu tại Lễ khởi công, đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã đáp ứng đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân Hải Phòng, đồng thời cũng là sự kiện làm nức lòng các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như nhân dân cả nước.
Ngay từ khi bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã rất khẩn trương và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, đồng thời tiến hành các thủ tục để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản vô giá này. Với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, chưa đầy 1 năm, thành phố đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về pháp lý, thủ tục về xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật. Dự án có tổng mức đầu tư 431 tỷ đồng, quy mô khoảng 150 ha bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, mặc dù có tổng mức đầu tư không lớn, nhưng được xác định là dự án trọng điểm của thành phố. Khi hoàn thành, di tích bãi cọc Cao Quỳ sẽ hòa cùng Khu di tích Bạch Đằng Giang và hệ thống các di tích khác sẽ trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa rộng lớn dọc bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng. Quần thể khu di tích này sẽ trở thành di sản văn hóa và là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Để dự án được thực hiện thành công, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức đặc biệt của thành phố; do đó, đòi hỏi mỗi hạng mục đều phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; đặc biệt là phải có các biện pháp khoa học tiên tiến nhất để giữ gìn và bảo vệ nguyên vẹn những di tích đã phát lộ và cả chưa phát lộ. Đồng thời, cần huy động thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện Dự án; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng; kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định, sự thành công của dự án Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc phát hiện Di chỉ khảo cổ Cánh đồng Cao Quỳ giúp thế hệ đương đại và mai sau có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng giang. Nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng, trỗi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống của dân tộc ta cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thủ tướng đánh giá cao Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng, của huyện Thủy Nguyên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quan tâm đến việc quy hoạch phát triển di tích lịch sử này. Đặc biệt, có thể thấy sự đóng góp quan trọng, có ý nghĩa lớn của các nhà sử học, các nhà khảo cổ học với công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này.
Trong thời gian qua, cùng với thành tựu đạt được về phát triển kinh tế – xã hội, thành phố Hải Phòng đã dành sự quan tâm đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, thể hiện trách nhiệm của thành phố trước lịch sử, trước thế hệ mai sau. Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Cánh đồng Cao Quỳ góp phần củng cố, nâng cao giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung; hình thành nên điểm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
“Nhiệm vụ này đòi hỏi một kế hoạch lâu dài, triển khai thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu di tích, tuyên truyền giá trị của di tích tới công chúng, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích; không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài”, Thủ tướng nêu rõ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị khởi công Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên của các ban ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên, trong bối cảnh thành phố đang dồn toàn lực cho công tác ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời, nhiệt liệt biểu dương nhân dân vùng Dự án đã có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao, đã ủng hộ, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cần quan tâm đến công tác tái định cư cho người dân di dời để hoàn thành đồng bộ Dự án để sớm đưa vào khai thác. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cần bám sát tiến độ tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Chủ đầu tư Dự án, Nhà thầu thi công và Đơn vị Tư vấn – Giám sát… phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thi công xây dựng các hạng mục công trình theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, hoàn thành Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật như đã cam kết.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh và đề nghị các đơn vị cần đặc biệt lưu ý: Dự án Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên không chỉ đơn thuần là một Dự án xây dựng cơ bản đơn thuần mà là một Công trình văn hóa, lịch sử; việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản; do vậy trong toàn bộ quá trình thi công, đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo trí tuệ, năng động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng với kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và nỗ lực cao của Chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công, các đơn vị tư vấn và sự ủng hộ của các nhà sử học và bà con Nhân dân, Dự án sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tính mỹ thuật và khoa học xứng tầm với giá trị của Di tích.
V.H.N – Tô Thành