Print Thứ Sáu, 18/10/2019 13:15

9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố có 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về lao động. Song giải quyết thực trạng này trước mắt và lâu dài là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Lực lượng lao động thiếu trầm trọng

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 30% số doanh nghiệp loại này hoạt động ổn định, 20% đạt có mức tăng trưởng thấp; 50% khó khăn, trong đó chủ yếu là khó khăn về nguồn lao động. Những nhóm ngành sản xuất gặp khó khăn nhiều nhất về lao động là đồ gỗ nội thất, cơ khí, da giày. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân); Đồng Hòa (Kiến An), thị trấn Trường Sơn (An Lão)… dù tuyển lao động liên tục, nhưng số tuyển được chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

9 tháng năm 2019, Công ty CP xây dựng thương mại Trường Thành hoạt động trong ngành cơ khí giảm 60% số lao động làm việc dài hạn. Phần lớn người lao động hiện làm việc thời vụ. Với việc phải thuê lao động hợp đồng thời vụ, ngắn hạn, chi phí sản xuất của công ty tăng 25-30%, trong khi thu nhập doanh nghiệp giảm 20-25%. Giám đốc công ty Phạm Khắc Phúc cho biết, mới đây, công ty nhận được hợp đồng gia công 100 tấn thiết bị ống khói cho làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, nhưng phải vất vả, đôn đáo đi thuê lao động thời vụ “giá cao” để bảo đảm hoàn thành đơn hàng đúng hạn.

Công ty CP Lâm sản Hải Phòng hiện chỉ hoạt động cầm chừng với doanh thu giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Vào ngày bình thường, xưởng sản xuất của công ty vắng lặng. Phó giám đốc Công ty Phạm Văn Thạnh cho biết, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất ngày càng ít sản phẩm vì không thuê được lao động làm việc dài hạn. Hiện tại xưởng công ty chỉ có vài lao động. Nếu có hợp đồng sản xuất đồ gỗ nội thất tại chỗ công trình, số lao động này đi làm việc tại đây thì xưởng phải dừng hoạt động, vì không còn lao động khác thay thế.

Nguyên nhân của việc thiếu lao động trầm trọng là do lao động phổ thông hiện nay không muốn ký hợp đồng lao động lâu dài với doanh nghiệp, do ngại bị ràng buộc, áp lực cao, thù lao thấp. Người lao động muốn làm việc thời vụ hoặc làm việc theo hợp đồng lương hằng ngày để được trả cao hơn. Theo Phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Tăng Lê Đại Yến, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động khó khăn, doanh thu kém, sản phẩm bán chậm, nên chủ yếu mới trả được lương cứng cho người lao động, chưa có những chế độ khen thưởng lễ, Tết phù hợp, nên công nhân không mấy mặn mà, dễ bỏ việc để đi làm thời vụ hoặc nhảy việc.

Doanh nghiệp phải chủ động là chính

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quận Lê Chân Chu Ngọc Thanh cho rằng, để ổn định sản xuất, phát triển đóng góp vào ngân sách thành phố, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần môi trường hoạt động và lao động lực lượng ổn định. Một số doanh nghiệp đề xuất các cơ quan chức năng như Sở Lao động –Thương bình xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông qua ngày hội việc làm, hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đoanh nghiệp kết nối thường xuyên với các sở, ngành chức năng, tích cực tham gia các hoạt động tuyển dụng do các sở, ngành chức năng tổ chức. Doanh nghiệp cũng phải xem xét lại các cơ chế, chính sách đãi ngộ người lao động phù hợp hơn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Đào Phú Huy, để khắc phục khó khăn về nguồn lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên liên kết để hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau trước mắt để bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh cấp bách. Về lâu dài, để có được nguồn lao động ổn định, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với các trường nghề, có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo người lao động bài bản; đặc biệt có chế độ đãi ngộ phù hợp để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng Hoàng Văn Khánh mong muốn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm nguồn lao động; ổn định hoạt động sản xuất, thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia phát biểu ý kiến, nguyện vọng nêu những khó khăn về lao động, việc làm, tình hình sản xuất để các ban, ngành chức năng nắm rõ, có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động trong việc đổi mới, sắp xếp lại hoạt động phù hợp năng lực, thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, đổi mới sản phẩm, làm ăn có lãi để bảo đảm nguồn thu, trả lương cao hơn cho lao động, có chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân người lao động làm việc lâu dài, gắn bó với doanh nghiệp.

Bài và ảnh: An Hương

Nguồn. Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng: “Vượt khó” về lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác