Sau hai năm phải đắp chiếu phương tiện vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những tưởng phân khúc thị trường dịch vụ chở khách sẽ trở lại nhộn nhịp trong tháng Giêng năm nay, khi một số cơ chế thông thoáng được khởi động. Tuy nhiên, kỳ vọng đã không thành hiện thực, bởi dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, trong khi đó những hệ lụy tác động khác cũng đem lại thách thức không hề nhỏ, khiến người làm dịch vụ đã khó càng thêm khó.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Sáu, chủ một sơ sở chuyên cho thuê xe hợp đồng ở quận Kiến An cho biết, trước khi Covid-19 xuất hiện, tháng Giêng là mùa làm ăn lớn nhất của nghề dịch vụ vận tải khách chạy theo hợp đồng.
Vừa là mùa lễ hội, vừa là quãng thời gian thời tiết mưa phùn, gió nồm, nên xe to xe nhỏ, đường dài đường ngắn dường như lúc nào cũng “cháy”. Nhu cầu tăng cao, chủ xe tự nhận hợp đồng cũng còn không đáp ứng nổi, chứ đừng nói đến chuyện môi giới, nhượng hợp đồng, nên hầu như xe cấp độ nào cũng có người thuê.
Tình trạng “cháy” xe thường diễn ra thời gian dài, khách nào không đặt trước thì việc tìm được xe ưng ý là cực khó, kể cả taxi. Nhưng theo ông Sáu, sôi động nhất và cũng khiến dân dịch vụ chở khách thích nhất là các hợp đồng đi lễ đầu năm, vì đường dài, thỏa thuận cởi mở, khiến thu nhập của chủ xe cũng ra tấm ra miếng.
Những năm trước dịch Covid-19, theo thông lệ thì cứ ra “Giêng” là người người đua nhau đi lễ, trảy hội, du xuân, đây là nguyên nhân chính khiến thị trường dịch vụ xe khách hợp đồng được phen náo nhiệt.
Tính từ Hải Phòng, có quá nhiều điểm đến đáp ứng nhu cầu này, xa có hội Chùa Hương-Chùa Thầy-Trăm gian (Hà Nội), rồi Yên Tử-Cửa Ông (Quảng Ninh), “Bà chúa kho”, hội Lim (Bắc Ninh), Côn sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Giày-Đền Trần (Nam Định), Tam Chúc (Hà Nam).
Xa nữa là đền Hùng (Phú Thọ), đền Mẫu (Lạng Sơn), đền cô Chín ông hoàng Mười ở miền Trung… Ngay cả ở gần như Yên Phụ (Kinh Môn-Hải Dương), đền Bà Đế (Đồ Sơn), Núi Voi (An Lão), Tràng Kênh (Thủy Nguyên)… người Hải Phòng cứ nượp nượp kéo đi không mệt mỏi, mà đi đâu cũng cần xe cả.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong hai năm qua, thị trường xe chở khách hợp đồng gần như bị tê liệt, khi hầu hết các phân khúc phát sinh nhu cầu lớn đều bị ngừng trệ, nhất là lễ hội, du lịch, cưới hỏi…
Ông Sáu cho biết thêm, khác với dịch vụ vận tải khách chuyên tuyến cố định, các loại xe hợp đồng chủ yếu trông chờ vào thời vụ, khi thuận lợi thì thu nhập rất tốt, nhưng nếu không thì kết quả ngược lại, rất thiếu ổn định.
Bản thân gia đình ông Sáu, mấy anh em đều làm xe, mấy năm trước làm ăn tốt đem cầm cố nhà cửa, mua thêm mấy đầu xe để hoạt động, nhưng trong năm 2021 vừa qua gia đình ông phải bán tháo mấy chiếc, không thu hồi được vốn. “Cứ giữ thì vẫn phải trả tiền ngân hàng, vẫn phải đăng kiểm, bảo hiểm, bảo dưỡng, bảo trì mà tiền thì không làm ra, chịu không nổi…”, ông Sáu nói.
Trước tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, nhiều động thái cho thấy các hoạt động xã hội sẽ trở lại bình thường. Gia đình ông Sáu cũng như nhiều chủ xe chở khách khác hào hứng đem phương tiện ra trang hoàng, quảng bá, sẵn sàng khởi động để đón hợp đồng mới.
Nhưng mọi việc đã diễn ra không như mong muốn, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn Hải Phòng, khiến hầu hết người dân nếu không bị mắc bệnh thì cũng vì áp lực tâm lý nên không mặn mà với việc du xuân.
Ông Thuận, chủ một phương tiện chở khách hợp đồng ở quận Lê Chân chia sẻ: “Từ tết đến giờ tôi mới nhận được vài hợp đồng, đấy là mình còn dựa vào những quan hệ cũ, chứ nhiều chủ xe còn chưa có mối khách nào”.
Ông Thuận cũng cho biết, phần lớn những hợp đồng ông nhận được đều do khách thuê chở đi tỉnh ngoài, còn các tuyến ngắn trên địa bàn Hải Phòng không có ai thuê. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ trên địa bàn thành phố chỉ có một số điểm đến thu hút đông du khách nhưng năm nay vẫn đóng cửa để phòng dịch bệnh.
Đơn cử như Khu di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên), một trong những điểm thu hút đông du khách nhất những năm trước, hiện cũng chưa mở cửa trở lại. Có mặt tại khu vực này, phóng viên nhận thấy có rất nhiều đoàn khách tỉnh ngoài đến nhưng lại phải quay đầu, hoặc chỉ dừng một lúc cho khách xuống xe “check in” trước cổng đã được khóa kín.
Ông Phạm Minh Thành, chủ xe chở khách từ Bắc Ninh xuống ngậm ngùi nói: “Nhận của người ta tiền triệu, xuống đến Hải Phòng họ đến chỗ nào cũng đóng cửa, dẫu không phải lỗi của mình nhưng cầm tiền mà áy náy”. Tâm tư của người làm nghề là thế, cho thấy cái khó mà dịch bệnh mang lại là của chung cả nước, chứ không riêng dân làm nghề ở Hải Phòng.
Khó khăn về khách là một lẽ, thời gian gần đây giá xăng dầu liên tục tăng và đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, khiến dịch vụ vận tải nói chung và vận tải khách nói riêng càng bị áp lực.
Về điều này, ông Thuận tâm sự, hiện tại những người làm dịch vụ vẫn chưa dám tăng giá cước vì phải cố gắng “ăn mỏng” mà giữ chân khách. “Nhưng nếu thời gian tới giá xăng dầu không được cải thiện thì chúng tôi cũng phải tăng cước, nếu không thu chẳng bù chi”, ông Thuận bộc bạch.
Lê Minh Thắng