Bộ Tài chính đã bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tại dự thảo Luật giá sửa đổi, đồng thời với việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ. Dự án Luật giá sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 4.
Trình Quốc hội cho ý kiến Luật giá sửa đổi tại Kỳ họp 4
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, một vấn đề được dư luận quan tâm đó là việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, triển khai nhiệm vụ được Quốc hội giao, Bộ Tài chính đã bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tại dự thảo Luật giá sửa đổi, đồng thời với việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 9.2022, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Luật và trình Chính phủ để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9.2022.
Trên cơ sở Thông báo kết luận số 1479/TB-TTKQH ngày 26.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã hoàn thiện, trình Chính phủ có Tờ trình số 356/TTr-CP ngày 30.09.2022 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự án Luật giá đang được triển khai theo đúng tiến độ của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023).
Nghiên cứu phương án thu phí dịch vụ đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước
Cũng trong văn bản này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có thông tin liên quan tới nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án thu phí dịch vụ đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số số 192/TTr-BTC ngày 24.8.2022 báo cáo Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.
Trên cơ sở Tờ trình số 192/TTr-BTC ngày 24.8.2022 của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5960/VPCP-KTTH ngày 9.9.2022 gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất các nội dung về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ theo đúng quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18.6.2022, trong đó cần bám sát yêu cầu chỉ đạo tại Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 23.8.2021 và lưu ý làm rõ căn cứ, cơ sở đề xuất hình thức văn bản phù hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến của Bộ Giao thông vận tải để báo cáo Chính phủ theo yêu cầu tại công văn số 5960/VPCP-KTTH ngày 9.9.2022.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính nhận thấy đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và chưa có tiền lệ. Việc xây dựng chính sách thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc do nhà nước đầu tư cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, trong đó đánh giá tác động đến các đối tượng sử dụng dịch vụ (người dân), tác động đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,… Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng thể các quy định pháp luật hiện hành đảm bảo sự đồng bộ, khả thi.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phương án thu phí dịch vụ đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho phù hợp.
Vương Trần