Print Thứ Hai, 20/05/2024 15:48 Gốc

Muối là một khoáng chất thiết yếu, nó không chỉ giúp bảo quản thực phẩm, giúp đồ ăn ngon hơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể con người. Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng sẽ gây nên những tác hại khôn lường đối với sức khoẻ con người.

Ngày 28/3/2024 Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 249/DP-KLN ban hành khuyến nghị hàm lượng muối natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh natri rất cần thiết đối với cơ thể con người nhưng rất ít khi bị thiếu mà nguy cơ thường bị tiêu thụ quá nhiều so với nhu cầu cơ thể và gây tác hại đối với sức khỏe.

Theo điều tra Steps 2021, lượng muối tiêu thụ 1 ngày/1 người là 8,1g (7,1g với nữ và 9,1g với nam), tăng gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

Những tác hại của muối đối với sức khoẻ

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê). Tuy nhiên đa số người dân đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10g/người/ngày. Việc ăn thừa natri là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng làm gia tăng các bệnh lý tim mạch và các rối loạn sức khỏe khác.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngọc, Khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng, việc tiêu thụ quá nhiều muối so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, đây là bệnh lý chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và bệnh tim mạch…

Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều muối còn tăng gánh nặng cho thận, dẫn tới suy giảm chức năng thận. Nguy cơ làm giảm mật độ xương và loãng xương.

Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Nghiên cứu cho thấy người ăn thừa natri thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 68% so với người hạn chế ăn natri.

Cùng với đó, thói quen ăn mặn sẽ gây nặng thêm tình trạng hen phế quản. Gây rối loạn thính lực do tăng giữ dịch ở tai trong, gây tăng áp lực và có thể gây rối loạn thính lực, gây điếc.

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng cảm giác khát, mọi người thường có xu hướng uống nhiều nước ngọt có đường, nhất là trẻ em, từ đó làm tăng cân.

Các biện pháp chính để giảm muối

Cho bớt muối: Giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn. Chúng ta nên ưu tiên các món hấp, luộc thay cho các món kho, rim, rang…

Chấm nhẹ tay: Hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn.

Giảm ngay đồ mặn: Hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối (giò, chả, xúc xích, dưa muối…) và ưu tiên các thực phẩm tươi sống. Nên giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi. Giảm lượng gia vị mặn chứa nhiều muối cho vào món ăn bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng cảm giác của vị giác.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ảnh hưởng của muối tới sức khỏe con người
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác