Sáng 21/12, UBND thành phố tổ chức họp trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong thời gian từ ngày 11/10 đến 20/12, Hải Phòng đã phát hiện 4.378 ca, trung bình 220 ca/ngày trong tuần vừa qua. Đang điều trị 3.103 ca (trong đó điều trị tại nhà 2.175 ca), tầng 1 có 2.997 bệnh nhân chiếm 96,58%, tầng 2 có 93 bệnh nhân chiếm 3%, tầng 3 có 13 bệnh nhân chiếm 0,42%. Tổng số hồi phục xuất viện là 1.348 ca, tổng số tử vong là 6 ca.
Tổng tích lũy mũi tiêm trên địa bàn thành phố đạt 2.957.902 mũi, trong đó người lớn là 2.764.980 mũi (bao gồm mũi 1, mũi 2, mũi nhắc lại và người ngoại tỉnh), trẻ em từ 12-17 tuổi là 192.922 mũi (trong đó mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 15%). Ngành Y tế đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, phấn đấu hoàn thành tiêm đầy đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-18 tuổi xong trước ngày 25/12/2021.
Về công tác điều trị COVID-19, ngành Y tế đã triển khai điều trị F0 tại nhà với 226 Trạm Y tế lưu động đi vào hoạt động, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc, nhân viên y tế đã được đào tạo. Đồng thời, ngành Y tế đã chuẩn bị hơn 45.000 túi thuốc cho Trạm Y tế lưu động, đủ điều trị khoảng 22.000 F0 nhẹ, không triệu chứng tại cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã xây dựng phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các cấp độ, chia làm 3 tầng điều trị, huy động tối thiểu 40% giường bệnh kế hoạch của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố với tổng số giường 3.412 để điều trị cho tầng 2 và tầng 3.
Bộ Y tế đã cấp cho thành phố 5.000 lọ Remdesivir 100mg điều trị cho khoảng 834 cho bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình đến nặng; 10.000 viên Avigan (Favipiravir) 200mg dùng điều trị cho 200 bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ; trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển 40.000 viên Molnupiravir 200mg để điều trị cho bệnh nhân mức độ nhẹ.
Ngành Y tế nhận định dịch COVID-19 tại Hải Phòng đang có diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng, dịch bệnh từ cộng đồng xâm nhập vào các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối gây khó khăn cho việc kiểm soát, khống chế. Miền Bắc bước vào mùa Đông Xuân với khí hậu thuận lợi cho việc bùng phát các bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19. Đặc biệt, biến thể Omicron với tốc độ lây lan mạnh hơn biến thể Delta 4,5 lần hiện đang bùng phát tại Nam Phi và một số quốc gia Châu Âu, khả năng xâm nhập của biến thể này vào thành phố là rất cao do Hải Phòng là một trong những đầu mối giao thông lớn của cả nước (đường biển, đường hàng không và đường bộ). Với các nguy cơ trên, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, dịch bệnh tiếp tục bùng phát với số ca mắc có thể lên tới 500 ca/ngày.
Sau khi nghe ý kiến của các Sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kết luận: đến thời điểm này, thành phố xác định dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thành phố, số ca dương tính trung bình trên 200 ca/ngày, tuy nhiên thành phố thực hiện tiêm vắc xin tốt, nên việc phân tầng điều trị thể hiện chênh lệch rõ rệt. Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca diễn biến nặng có chiều hướng tăng nhanh.
Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân có ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19, mỗi hộ gia đình có F0 tự mua bộ xét nghiệm và máy đo nồng độ oxy trong máu để tự theo dõi sức khỏe để báo cho các cơ sở y tế, trong thời gian tới thành phố sẽ hạn chế việc xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng.
Hiện nay, việc điều trị F0 tại nhà chiếm 70%; tại quận, huyện, thành phố chiếm 30%. Thành phố đang chỉ đạo việc điều trị tại nhà phải đạt 85-90%, để dự phòng giường bệnh cho các ca nặng điều trị tại các cơ sở y tế. Chủ tịch UBND thành phố đánh giá 226 Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố đang hoạt động hiệu quả, đề nghị các địa phương điều tiết nhân lực ở các Trạm Y tế lưu động từ các khu vực có ít ca nhiễm sang khu vực có nhiều ca nhiễm. Đề nghị UBND các quận huyện gửi dự thảo Quyết định thành lập các Trạm Y tế lưu động cho Văn phòng UBND thành phố tổng hợp, trước mắt chưa huy động nhân lực sinh viên các trường y trên địa bàn. Đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính xây dựng đề xuất phương án thành lập thêm 500 Trạm Y tế lưu động tại các địa phương, sẵn sàng thực hiện khi thành phố có nhu cầu. Đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã thành lập các Tổ chăm sóc cộng đồng, hỗ trợ các gia đình F0, F1 mua sắm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.
Liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường rà soát lại các đối tượng, đặc biệt là lao động tự do thường xuyên di chuyển giữa các địa phương để tiêm cho các đối tượng này; đến tận nhà tiêm cho những già, người cao tuổi, người không di chuyển được đủ điều kiện tiêm để tiêm cho người dân.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá thời điểm này người dân rất chủ quan, thành phố đã ban hành các cấp độ dịch theo từng khu vực, đề nghị các địa phương chủ động áp dụng mức độ giãn cách theo quy định. Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng thời lượng tuyên truyền công tác phòng chống dịch, tập trung vào hướng dẫn tự xét nghiệm, tự theo dõi điều trị tại nhà.
Hồng Nhung. Ảnh: Đàm Thanh