Sáng 7/7, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW tại thành phố Hải Phòng. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW; các đồng chí là thành viên Thường trực Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX, quy mô kinh tế thành phố không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 đạt 315,7 nghìn tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2005. Cơ cấu ngành kinh tế thành phố chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng mạnh từ 84,91% năm 2005 lên 90,21% năm 2021; khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 12,96% năm 2005 xuống còn 3,97% năm 2021. Xuất hiện nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới trong nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và vùng.
Phát triển kinh tế bảo đảm gắn với phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ dần thể hiện vai trò là trung tâm của vùng. Xây dựng và phát triển văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Thực hiện các chính sách xã hội có nhiều tiến bộ mới. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được tăng cường, phát huy hiệu quả.
Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển. Đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có kết nối với Hạ Long; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Đường và cầu ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (đường thủy nội địa); Dự án cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan-cầu Nghìn; đang triển khai tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng-Thanh Hóa,…
Đô thị Hải Phòng phát triển nhanh theo quy hoạch đô thị loại I, trung tâm cấp quốc gia. Hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được nâng cấp, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Chủ động, tích cực và phối hợp tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn và các cơ chế, chính sách phát triển vùng tại thành phố. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có bước chuyển biến mới, tạo sự khởi sắc trong phát triển kinh tế, xã hội, đô thị của thành phố. Hợp tác và liên kết vùng được tăng cường; hình ảnh, vị thế và uy tín của Hải Phòng được nâng cao rõ nét. Phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm gắn với thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng-an ninh. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; có nhiều đổi mới về tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổng kết, ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh. Trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Kiến nghị Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xây dựng, phê duyệt và triển khai các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch xây dựng, đô thị, sử dụng đất,… của quốc gia, các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án có quy mô lớn, quan trọng của các ngành; trong đó xác định đúng vị trí, vai trò của Hải Phòng đối với vùng, cả nước và khu vực theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị: Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước…
Hội nghị cũng được nghe các tham luận về: Đẩy mạnh khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch đô thị Hải Phòng đặt trong mối liên hệ với vùng đồng bằng sông Hồng; xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế; xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước; hợp tác phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng; nhiệm vụ, giải pháp nhằm kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận báo cáo tại Hội nghị cùng với các tham luận của các đại biểu trình bày tại Hội nghị đầy đủ, rõ nét toàn diện trên các lĩnh vực đã thể hiện được bức tranh tổng thể phát triển của thành phố sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX với những bước tiến vượt bậc. Quy mô kinh tế được mở rộng; kinh tế tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Báo cáo đã nêu bật được những kết quả đạt được; chỉ ra hạn chế, yếm kém; nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, yếu kém; bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030 và những kiến nghị với Trung ương. Đồng chí cũng đánh giá cao thành phố trong công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX đã tạo được khí thế phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện của toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng các đồng chí là thành viên Thường trực Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hải Phòng để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy nêu rõ: Nghị quyết 54-NQ/TW được ban hành đúng vào thời điểm Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng trải qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị. Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết 32-NQ/TW và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị vào Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ thành phố, đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2010.
HĐND thành phố đã thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW bằng các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm; các nghị quyết chuyên đề, quyết định danh mục dự án, công trình trọng điểm, phân bổ vốn đầu tư, các cơ chế, chính sách của thành phố,… UBND thành phố cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW trong các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị và trong quá trình điều hành, quản lý kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển vùng nói chung và thành phố nói riêng. Thường xuyên, tích cực phối hợp, hợp tác với các địa phương trong vùng xây dựng và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch chung xây dựng của vùng.
Đồng chi Bí thư Thành ủy cũng phân tích một số điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới và nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ thành phố Hải Phòng trong thời gian qua và mong muốn các thành viên Thường trực Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW ghi nhận các ý kiến, kiến nghị đề xuất của thành phố để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan Trung ương.
Hoàng Tùng. Ảnh: Đàm Thanh