Sáng 19/12, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố; tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác về phía thành phố có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Thành ủy và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2015-2020 có bước phát triển mạnh mẽ và đột phá
Báo cáo tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Giai đoạn 2015-2020, kinh tế-xã hội thành phố có bước phát triển mạnh mẽ và đột phá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt gần 14%/năm; tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước tăng từ 3,5% năm 2015 lên 5,3% năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 3 lần so với giai đoạn trước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trên 408.000 tỷ đồng, thu nội địa 120.000 tỷ đồng, gấp 2,65 lần so với giai đoạn trước. Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đạt gần 44.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn trước. Đặc biệt, đã thống nhất với tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Bình để Hải Phòng đầu tư xây dựng nhiều cây cầu vượt sông, mở rộng không gian kinh tế của Hải Phòng và các địa phương bạn.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng, các xã hoàn thành 19 chỉ tiêu vào năm 2019; đặc biệt thành phố đã hỗ trợ xi măng, người dân tự bỏ nhân công và các vật tư khác để xây dựng được hơn 5.000 km đường giao thông nông thôn.
Công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,22%. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các bậc học; hỗ trợ gạch và xi măng cho gia đình có công với cách mạng, người nghèo và cận nghèo để cải tạo và xây dựng mới nhà ở. Việc tri ân đối với gia đình có công với cách mạng trong các dịp lễ, tết năm sau cao hơn năm trước và cao nhất trong cả nước.
13/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm 2021
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, thành phố có 13/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm, trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc tốp đầu trong cả nước. Có 6/19 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng ở mức tăng trưởng cao so với năm 2020 và so với các địa phương khác. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 12,38%, tuy không đạt kế hoạch 13,5%, nhưng gấp hơn 5 lần so với bình quân chung cả nước. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng trên 19% so với năm 2020, cao hơn kế hoạch năm là tăng 17%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 90.400 tỷ đồng, vượt trên 17% dự toán Trung ương giao. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2020, vượt kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 23% so với năm 2020, vượt trên 12% kế hoạch năm. Đã khánh thành và khởi công nhiều công trình quan trọng.
Thành phố đã hoàn thành việc xây dựng 8 xã thí điểm về nông thôn mới kiểu mẫu, với các tiêu chí về giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh… tiếp cận với các tiêu chí của đô thị, mức đầu tư bình quân 135 tỷ đồng/xã. Đối với 129 xã còn lại, năm 2022 đang triển khai thêm 35 xã, các xã khác sẽ tiếp tục triển khai vào các năm sau, với mức đầu tư bình quân 125 tỷ đồng/xã và sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Các nhiệm vụ văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân được thực hiện tốt. Đã thực hiện việc hỗ trợ trên 140 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đã ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy và đang lập Dự án về Chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đã lập Đề án, trình và được Quốc hội thông qua và đã ban hành Nghị quyết số 35 về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi vắc xin đối với người từ 18 tuổi trở lên
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Đã cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi vắc xin đối với người từ 18 tuổi trở lên; đang tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, đết hết tháng 2/2022 sẽ tiêm xong mũi 3; đã hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến ngày 25/12/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2. Cơ bản hoàn thành việc đầu tư trang thiết bị, hệ thống ô xy cho các bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận huyện, để điều trị cho bệnh nhân nặng.
Đặc biệt, ngoài việc tập trung phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, thành phố còn tích cực hỗ trợ nhân lực và vật lực cho các địa phương khác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị trên 60 tỷ đồng và hơn 1.000 y, bác sỹ, với thời gian mỗi đợt 30-60 ngày.
Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, phát triển công nghiệp, giao thông vận tải
Tại cuộc làm việc, thành phố Hải Phòng đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch; phát triển công nghiệp, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; giao thông vận tải; thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Trong đó: Đề nghị Chính phủ cho phép thành phố Hải Phòng tự đầu tư kinh phí để nghiên cứu quy hoạch chi tiết về xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng, để bắt đầu xây dựng từ năm 2030; sớm chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ; đồng ý chủ trương gia hạn và cho phép đầu tư nâng cấp Dự án kinh doanh Casino tại Đồ Sơn, nếu không được gia hạn sẽ chấm dứt vào tháng 8/2022; sớm đầu tư đường giao thông phía sau các bến tại Cảng quốc tế Lạch Huyện; sớm đầu tư xây dựng bổ sung cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2; sớm phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu để thành phố khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi; đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn từ tỉnh Thanh Hóa, qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình kết nối đường cao tốc Hải Phòng-Hà Nội trên địa bàn thành phố kết nối với cầu Bạch Đằng sang Quảng Ninh, sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi kinh tế bền vững để thực hiện…
Đề nghị Bộ Xây dựng sớm thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng; Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng quốc tế Lạch Huyện; Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 2 dự án điện khí tại huyện Tiên Lãng và tại đảo Cát Hải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga T2, giai đoạn 1 thuộc Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Bộ Quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi về bàn giao đất để Tổng công ty Cảng hành không Việt Nam sớm khởi công xây dựng nhà ga T2, giai đoạn 1 và Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…
Qua nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên Đoàn công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Kế thừa thành quả của nhiệm kỳ trước, thời kỳ này, thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã làm tốt, có hiệu quả, cùng với phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt được thành quả này, theo Thủ tướng Chính phủ là do thành phố Hải Phòng đã bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để vận dụng sáng tạo linh hoạt vào công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là sự đoàn kết thống nhất, cùng nhau nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân thành phố và các doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Quốc hội đã xác định rõ định hướng và cơ chế cho thành phố Hải Phòng, vì vậy Hải Phòng phải phát huy tính tực lực, tự cường hơn nữa để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hài hòa, phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển toàn diện hơn nữa về các mặt an ninh-quốc phòng; kinh tế, trong đó có công nghiệp, phải là công nghiệp xanh, hiện đại, dịch vụ tiên tiến, thông minh, thuận lợi; du lịch phải sinh thái, chất lượng cao; nông nghiệp phải xanh, sạch, bền vững. Phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; có kế hoạch tăng dân số cơ học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm liên kết vùng, kết nối vùng và phải có nhiều đóng góp hơn nữa cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành phố Hải Phòng phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính Phủ và Nghị quyết số 35 của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để khôi phục, phát triển kinh tế; rà soát, nghiên cứu xây dựng quy hoạch bài bản, có chiến lược, tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới, sát với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng; quy hoạch phải phát huy tối đa hiệu quả của tài nguyên đất, rừng, nước; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị cấp tỉnh, thành phố, nâng cao các chỉ số cạnh tranh; quan tâm phát triển dịch vụ logistics thông minh, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, phù hợp với tình hình chung, nhất là liên quan đến hàng không, hàng hải; phát triển chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn; nghiên cứu năng lượng gió, tập trung năng lượng sạch, xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, thành phố Hải Phòng phải là khối đại đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phát triển thành phố. Cùng với đó, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần vật chất của Nhân dân để xứng tầm với vị thế của thành phố.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình cao với các đề xuất, kiến nghị của thành phố, trên tinh thần giải quyết phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của thành phố Hải Phòng và đề nghị Hải Phòng chọn một số việc có tính khả thi, đủ thời gian, nguồn lực, năng lực, đủ điều kiện để làm sao cho có hiệu quả…
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy trân trọng cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã dành cho Hải Phòng sự quan tâm đặc biệt; đó là sự động viên khích lệ kịp thời, có ý nghĩa, có những chủ trương, quyết định được giải quyết ngay tại cơ sở để định hướng, tháo gỡ cho Hải Phòng trong thời gian tới. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc làm việc và xin hứa thành phố sẽ đoàn kết nhất trí, thống nhất hành động, nỗ lực cao nhất để thực hiện vì sự phát triển của Hải Phòng. Đồng chí bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương đối với thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
Trước đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát tại Cảng Container quốc tế Lạch Huyện và đến thăm gia đình chính sách là ông Nguyễn Văn Tiệu, sinh năm 1922, là bố Liệt sĩ Nguyễn Văn Thiều (hy sinh năm 1970) tại Tổ dân phố Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải và gia đình quân nhân Đại tá Bùi Anh Tuấn, thương binh 4/4, sinh năm 1948, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Cát Hải tại thị trấn Cát Hải.
Hoàng Tùng. Ảnh: Đàm Thanh