Tính từ đầu tháng 11, thị trường thành phố cũng như cả nước liên tục chứng kiến sự gia tăng của giá vàng, và đến nay loại hàng hàng hóa đặc biệt này đã chính thức vượt ngưỡng 6 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, diễn biến thị trường ngoại tệ, nhất là đồng đô la Mỹ cũng đang đem đến những nỗi lo cho thị trường cuối năm, thời điểm mà các giao dịch thanh khoản liên quan luôn sôi động.
Dấu ấn tăng của Vàng và Đô la Mỹ
Tính đến ngày 14/11, giá vàng trên thị trường Hải Phòng đã vượt qua ngưỡng 60 triệu đồng/lượng, cụ thể niêm yết đối với vàng SJC tại một số cửa hàng lớn trên đường Cầu Đất có mức mua vào là 60,15 triệu đồng và bán ra 60,85 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý là, những ngày gần đây giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm, hiện đang ở mức bình quân 1.865,4 USD/oz, như vậy nếu quy đổi đồng giá trị, thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới gần 10 triệu đồng/lượng. Đây là dấu hiệu bất thường của thị trường vàng trong nước, sau một thời gian khá dài có giá tương ứng với sự tăng giảm của thế giới.
Cần phải thấy rằng, do nhiều nguyên nhân tác động nên những năm gần đây vàng không còn là một kênh đầu tư sôi động đối với đại chúng, ngoài những giao dịch có tính chất hệ thống. Tuy nhiên, trong hai năm qua, cùng với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, diễn biến giá vàng đã thu hút nhiều sự quan tâm, khi xuất hiện nhiều đợt biến động trên cả hai kênh trong nước và thế giới.
Điều này có thể thấy rõ trong con số so sánh, khi cách đây đúng hai năm, vào giữa tháng 11/2019 giá vàng trong nước chỉ ở mức bình quân 42,5 triệu đồng/lượng, nghĩa là so với thời điểm hiện tại giá vàng trong nước đã tăng khoảng 46%, trong khi cùng thời gian giá vàng thế giới chỉ tăng 27%.
Mặc dù so với mức bình quân 57 triệu đồng/lượng thời điểm đầu năm, chênh lệch giá vàng đến nay chưa phải quá lớn, nhưng thực tế trục biến động xảy ra liên tục đã làm khó cho các nhà đầu tư. Bởi những ngày đầu tháng 11 vừa qua, giá vàng liên tục thay đổi thang giá, cơ bản chưa có lúc nào giảm.
Tại thời điểm này, vàng càng có trọng lượng nhỏ thì giá bán ra càng cao, cho thấy xu hướng mua tích trữ tiết kiệm dạng nhỏ lẻ đang diễn ra khá sôi động. Tại một cửa hàng giao dịch vàng tại Hải Phòng, theo người đại diện cho biết thì lượng vàng bán ra dạng lẻ chiếm gần 70% tổng lượng giao dịch trong khoảng một tuần trở lại đây.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến thị trường ngoại tệ. Trên bảng niêm yết của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, tỷ giá mua vào và bán ra tính theo đồng Việt Nam của một số ngoại tệ mạnh là: Đô la Mỹ 22.515 và 22.745VND/USD; EURO 25.250 và 26.643 VND/EUR; Bảng Anh 29.491 và 30.723 VND/GBP…
Tỷ giá này được ghi nhận trong bối cảnh đồng Đô la Mỹ liên tục gia tăng tỷ tỷ giá so với nhiều ngoại tệ mạnh trên thị trường thế giới thời gian qua. Trong khi đó, giá tham khảo trên thị trương tự do trong nước đối với Đô la Mỹ hiện ở mức mua vào 23.320VND và bán ra 23.370 VND/USD.
Lo tác động đa chiều
Đánh giá về thị trường vàng và ngoại tệ thời điểm này, các nhà phân tích cho rằng diễn biến đang phụ thuộc nhiều vào nước Mỹ. Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ cũng chung tình cảnh suy thoái mạnh mẽ, lạm phát tăng mạnh, vì vậy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã thay đổi về chính sách tiền tệ, từ chỗ đẩy mạnh bình thường hóa, đã chuyển sang chiều hướng nới lỏng, do một số ngành sản xuất của Mỹ đang có dấu hiệu đi xuống.
Đối với thị trường trong nước, theo thông lệ thì những tháng cuối năm là thời điểm đáo hạn của các hợp đồng sản xuất, kinh doanh và công nợ liên quan đến kinh tế đối ngoại, nên vai trò của các dòng ngoại tệ luôn năng động. Bên cạnh việc thanh khoản của hoạt động xuất nhập khẩu của hệ thống thương mại chính ngạch, khiến vòng chu chuyển tiền tệ “xoay” mạnh.
Chưa kể các hoạt động biên mậu vẫn hoạt động, bất chấp những trở ngại do dịch bệnh Covid-19 tạo ra, là một trong những nguyên nhân chính tác động vào các giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do.
Dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kiểm soát, nhưng hiện ngoại tệ “chợ đen” vẫn giữ vai trò chi phối lớn, gắn liền với thương mại ngoài luồng như xuất nhập khẩu tiểu ngạch, buôn bán hàng lậu, hàng cấm…
Tuy nhiên, ngoài lý do trên, diễn biến thời gian gần đây cho thấy biến động của thị trường ngoại tệ trong nước đang song hành với tình hình kinh tế thế giới. Nghĩa là ngoài ảnh hưởng từ các giao dịch của thị trường hàng hóa, thì ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô tăng lên rất nhiều.
Đây chính là nét mới mang tính tiêu biểu của quá trình hội nhập quốc tế, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết gây sức ép ngày càng lớn lên đồng tiền Việt Nam.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, việc đồng đô la Mỹ tăng giá sẽ có lợi cho một bộ phận cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại, khi thay thế thanh khoản bằng các ngoại tệ mạnh khác?
Mặt khác đối với các mô hình gia công, giá Đô la Mỹ tăng cũng giúp chi phí gia công tăng theo, khi quy đổi sẽ có lợi đối với các khoản thu nhập của người lao động? Nếu điều này là thực tế, thì nhiều doanh nghiệp Hải Phòng được hưởng lợi, khi tỷ lệ doanh nghiệp gia công hàng hóa theo mô hình này khá phổ biến.
Ở một góc nhìn khác, trong bối cảnh các mô hình đầu tư như thị trường chứng khoán, bất động sản và quỹ tín dụng đã không còn sức hấp dẫn, một nguồn lớn tài sản tích trữ của người dân được chuyển sang vàng và ngoại tệ. Với việc giá Đô la Mỹ và vàng tăng mạnh, lại đang có thể hiện dấu hiệu bất ổn tâm lý trong cộng đồng.
Chưa kể, nếu hoạt động nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng tăng mạnh trong dịp này, chi phí ngoại tệ tăng sẽ kích giá cả hàng hóa tăng theo, đây là nỗi lo không nhỏ, rất có thể sẽ tác động đến quá trình bình ổn thị trường dịp cuối năm.
Lê Minh Thắng