Print Thứ Năm, 14/12/2023 16:00 Gốc

Trước yêu cầu về giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, cử tri thành phố Hải Phòng nêu kiến nghị xem xét lộ trình giảm biên chế đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo do tăng học sinh, tăng lớp.

Phân bổ biên chế giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế

Bộ Nội vụ vừa có trả lời kiến nghị cử tri liên quan tới tinh giản biên chế, trong đó có nội dung về biên giảm biên chế trong đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, cử tri thành phố Hải Phòng nêu kiến nghị xem xét lộ trình giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2026 do tăng học sinh, tăng lớp.

Nội dung kiến nghị về xem xét biên chế giáo viên cũng được cử tri nhiều tỉnh, thành phố như cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái… nêu kiến nghị và gửi tới Bộ Nội vụ.

Cử tri đề nghị xem xét lộ trình giảm biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo do tăng học sinh, tăng lớp. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ khẳng định, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 21.2.2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Bộ Nội vụ, để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18.7.2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, trong đó đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, riêng đối với năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương, còn 38.130 biên chế giáo viên sẽ được bổ sung cho các địa phương trong các năm học tiếp theo đến năm 2026.

Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương để phân bổ biên chế giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Mặt khác, theo Quy định số 70-QĐ/TW, Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương) Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.

Cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

Xây dựng định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến phổ thông trung học, phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng, miền.

Hướng dẫn xây dựng mức học phí đào tạo một học sinh của từng bậc học theo từng vùng, miền, làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng dự toán kinh phí hoạt động phù hợp với quy mô tuyển sinh theo từng năm học để báo cáo các cấp quản lý phân bổ ngân sách theo cơ chế đặt hàng.

Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc đổi mới phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục xây dựng Đề án tự chủ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức độ tự chủ về tài chính được xác định phù hợp với tỷ lệ nguồn thu sự nghiệp (mức học phí x quy mô học sinh) theo cơ chế đặt hàng/tổng chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, phù hợp với lộ trình tính đủ giá, phí theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, từng bước thực hiện cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính theo Đề án tự chủ.

Vương Trần

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng học sinh, tăng lớp, cử tri Hải Phòng đề nghị xem xét lộ trình giảm biên chế giáo viên
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác