Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vừa thông tin, trong tháng 4 và tháng 5/2022, có thể bắt đầu triển khai các dự án đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng quy mô gần 114 nghìn tỷ đồng bố trí từ gói hỗ trợ tài khóa.
Ðầu tư công là một trong năm cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP. So với yêu cầu về tiến độ của Chương trình, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được.
Riêng lĩnh vực đầu tư công gặp khó khăn hơn, do liên quan nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Ngay cả công tác tổng hợp dự án thuộc Chương trình cũng chậm hơn do tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau.
Ðể khắc phục, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất Chính phủ cho phép nơi nào xong trước thì tổng hợp các dự án, trình Thủ tướng trước, nơi nào hoàn thiện sau thì trình sau, tạo điều kiện giải ngân sớm khi đã có đủ điều kiện. Phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Ðảng, Nhà nước xác định phải ưu tiên thực hiện, bao gồm hạ tầng giao thông.
Trong cả giai đoạn đổi mới, Việt Nam mới hoàn thành được khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc. Mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ này là hoàn thành 2.000 km đường cao tốc, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc bắc nam. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết khi dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đòi hỏi phải kích cầu đầu tư công, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Bởi thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa kép, vừa kích thích chi tiêu tức thời trong giai đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài, tạo ra kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế dài hạn, thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tiếp theo.
Vì lẽ đó, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn hơn 2,8 triệu tỷ đồng tập trung vào các dự án cấp thiết, có quy mô lớn, Quốc hội cũng đồng ý tăng cường gần 114 nghìn tỷ đồng vốn từ ngân sách hỗ trợ cho đầu tư công để thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội do tác động của đại dịch Covid-19. Với nguồn lực lớn chưa từng có, nếu không quyết liệt và có trách nhiệm trong giải ngân, nền kinh tế sẽ bội thực, có tiền mà không tiêu được trong khi rất khát vốn cho đầu tư phát triển.
Ðể giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kéo dài, chia nhỏ gói thầu, vấn đề mỏ vật liệu cho các dự án cao tốc. Khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn, nhân rộng các bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình tốt, cách làm hiệu quả. Làm được như vậy sẽ là dấu ấn nhiệm kỳ, khi trong khó khăn chưa từng có, chúng ta vẫn giải ngân nguồn vốn đầu tư công kỷ lục, như mạch máu lan tỏa vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bích Ngân