Vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão là một trong những việc cần làm sau khi mưa lũ rút. Bệnh người dân vùng mưa lũ dễ mắc phải là đau mắt, bệnh ngoài da và tiêu hóa.
Theo TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), những ngày này, số bệnh nhân gặp các vấn đề về da do mưa lũ đến khám gia tăng đáng kể tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tỉ lệ bệnh nhân tăng lên tương đối, tăng lên so với mùa khô khoảng 30%.
“Khi gặp vấn đề bất bình thường về làn da nên khám sớm tại chuyên khoa da liễu. Trong trường hợp phải lội nước mưa, về phải rửa bằng sản phẩm làm sạch phù hợp, chấm khô kẽ chân, kẽ tay…”, TS.BS Phạm Thị Minh Phương khuyến cáo.
Còn TS.BS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau mưa lũ, tại những vùng này, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ.
Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông…), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…
Đặc biệt, sau thiên tai, trẻ thường trải qua khó khăn đầu tiên về mặt thể lý như nhu cầu ăn uống, nhu cầu an toàn. Tiếp theo là những khó khăn về mặt tâm lý như sự sợ hãi, lo âu và rối loạn giấc ngủ, khiến trẻ cảm thấy bất lực và không an toàn. Nếu tình trạng này được hỗ trợ kịp thời, chấn thương tâm lý (Trauma) có thể chưa được hình thành và sẽ không để lại nhiều nguy cơ.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân vùng ngập lụt, ảnh hưởng mưa bão tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 triển khai ngay một số công việc, trong đó đối với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn; Khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: Lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai…
Phương châm của Bộ Y tế là nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.
Lệ Hà