Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:32

Đan xen với những khu dân cư, việc cơi nới không gian sống, mở rộng diện tích bằng những lồng sắt được hàn gắn theo kiểu “chuồng cọp” đã biến các khu tập thể trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn triển khai các phương án PCCC cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng khi có sự cố xảy ra.

Nguy hiểm luôn rình rập

Hải Phòng hiện có 74 khu chung cư, nhà tập thể cũ đang có người sinh sống với diện tích chật hẹp. Thậm chí, ở các khu tập thể như Quán Toan (quận Hồng Bàng); Lâm Tường, Xi Măng, An Dương (quận Lê Chân); Cầu Tre, Vạn Mỹ, Đồng Quốc Bình, Đồng Tâm (quận Ngô Quyền), có tới 4 thế hệ cùng chung sống dưới mái nhà tập thể.

Chật chội, các gia đình tìm mọi cách để cơi nới không gian sống, mở rộng diện tích theo hướng “đua ra ngoài”. Vậy là những lồng sắt được hàn gắn theo kiểu “chuồng cọp” ra đời và trở thành một xu thế của các khu tập thể cũ.

Đáng nói, phần lớn những hộ vi phạm đều không ý thức được sự nguy hại khi biến nhà thành “lô cốt” như vậy. Họ đơn thuần chỉ coi đây là cách để chống trộm và bảo vệ sự an toàn, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.

Hệ lụy là, chính những “chuồng cọp” trên cao như thế vô tình đã ngăn lối thoát nạn duy nhất của căn nhà, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí không ít “chuồng cọp” còn được đổ nền, xây dựng bằng gạch kiên cố.

Kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư ở quận Lê Chân

Thông thường, “chuồng cọp” là nơi được dùng để đặt ban thờ, kho chứa đồ. Sau khi được che chắn kín bằng các tấm tôn hoặc chằng buộc lỏng lẻo bằng vách cát-tông, miếng xốp, “chuồng cọp” trở thành một phòng chứa đồ tiện lợi.

Thiếu tá Vũ Bá Chuẩn, Phó trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về Phòng cháy cho biết, đây đều là những chất dễ bắt lửa, dễ cháy.Chỉ cần một vài tàn lửa vô tình rơi vào cũng có thể gây ra cháy. Hơn nữa, vì nhà nào cũng tích luỹ như vậy nên sẽ làm tăng nguy cơ cũng như tốc độ cháy lan, đồng thời khiến lực lượng chức năng khó dập lửa hơn trong trường hợp xảy ra cháy.

Ngoài ra, nằm xen kẽ giữa khu dân cư là nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các nguyên vật liệu dễ cháy như: sơn, nhựa, xăng dầu, xốp… cũng làm tăng nguy cơ cháy nổ trong khu tập thể cũ.

Tăng cường phối hợp tuyên truyền       

Được biết, công tác quản lý các khu nhà tập thể được thành phố giao về cho Công ty quản lý nhà Hải Phòng. Chủ sở hữu đầu tiên cũng đã chuyển nhượng đi và căn hộ được chuyển nhượng nhiều lần.

Chính việc lỏng lẻo trong quản lý khiến công tác giám sát hoạt động của khu tập thể nói chung, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về PCCC nói riêng bị hạn chế.

Thói quen cơi nới là“căn bệnh” cố hữu. Trong thời điểm ý thức người dân liên quan đến công tác PCCC chưa cao, nguy cơ xảy ra cháy nổ thường trực thì công tác chủ động ứng phó với các sự cố cháy nổ là hết sức cần thiết.

Cũng theo Thiếu tá Vũ Bá Chuẩn: các gia đình cần cẩn thận trong việc sử dụng lửa, thiết bị điện và các thiết bị sinh nhiệt khác, thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC, không sử dụng thiết bị điện không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi ngủ cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư ở quận Lê Chân

Ngoài ra, việc cơi nới “chuồng cọp” khiến các căn hộ tập thể chỉ còn một lối ra duy nhất là cửa chính. Trong trường hợp xảy ra cháy, người sống trong nhà không thể thoát ra. Để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc trong trường hợp xảy ra cháy, người dân nên lưu ý khi cơi nới nhà, không hàn kín, tránh việc bịt mất lối thoát hiểm.

Mỗi “chuồng cọp” nên có một cửa ra. Ở khu vực cơi nới không nên lưu trữ những vật dụng dễ bắt lửa gần các nguồn phát sinh nhiệt do hầu hết khu cơi nới nằm ngoài trời, dễ chịu ảnh hưởng bởi gió, gây cháy lan nhanh.

Năm 2015, Cảnh sát PCCC thành phố tham mưu giúp UBND thành phố Hải Phòng xây dựng mô hình “Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC”.Theo đó,“Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC” phải bảo đảm thực hiện: niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, tiêu chí “Tổ dân phố an toàn PCCC”.

Tại các ngõ, phố không được đóng cọc bê tông, bảo đảm thông thoáng; không tập kết hàng hóa, vật liệu làm ảnh hưởng đến hoạt động của xe chữa cháy; có nguồn nước phục vụ chữa cháy; các khu chung cư, nhà tập thể phải có lối thoát hiểm dự phòng. Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, xô, thang…

Mô hình “Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC” góp phần khắc phục mối lo PCCC từ “chuồng cọp”, “lồng chim” của các khu tập thể chỉ phát huy tác dụng khi có sự chung tay cùng với tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư.

Hỏa hoạn sẽ được ngăn chặn ngay tại mỗi gia đình, hậu quả từ những sự cố cháy, nổ sẽ không tiếp diễn nếu có phương án phòng ngừa khoa học, hợp lý.

Lệ Trang – An ninh Hải Phòng 29/07/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngăn chặn nguy cơ cháy nhà tập thể kiểu “chuồng cọp”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác