Print Thứ hai, 16/09/2019 09:20

Theo tài liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong các trao đổi thời gian gần đây, Trung Quốc đã dẫn chiếu đến một số tư liệu như là bằng chứng lịch sử nhằm chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, các “tư liệu” này của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy Trung Quốc hiểu rằng chủ quyền của họ chưa bao giờ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.

Hải quân nhân dân Việt Nam bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa (ảnh tư liệu)

Trên thực tế, mãi đến năm 1909, Đô đốc Quảng Đông (Trung Quốc) Lý Chuẩn năm mới tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa. Sự việc này đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam do chính quyền bảo hộ Pháp đại diện.

Trước yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Pháp đã từng đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng Trọng tài quốc tế (Công hàm của Pháp gửi Trung Quốc ngày 18-2-1937), nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.

Vào tháng 11-1943, Hội nghị Cairo với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ra Tuyên bố Cairo, đưa ra mục tiêu loại bỏ Nhật Bản ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã chiếm đóng từ Chiến tranh thế giới thứ nhất năm  và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Tưởng Giới Thạch, đại diện cho Trung Quốc có mặt tại Hội nghị không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội nghị Potsdam diễn ra vào tháng 8-1945 với sự tham gia của Lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đã ra Tuyên ngôn Potsdam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cairo. Đại diện của Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch có mặt tại Hội nghị cũng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1946, chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch lợi dụng bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc lại một lần nữa từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi đảo Phú Lâm.

Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc (lúc này là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) là một trong những nước tham gia Hội nghị Geneva 1954 biết rất rõ điều này.

Tuy nhiên năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngăn chặn hiệu quả.

Năm 1974, như đã nói ở kỳ trước, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngay lúc đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp về hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc.

Vẫn với chiêu bài trên, năm 1988 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm một số bãi của quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm đóng các vị trí trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không thể tạo ra chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Theo đó, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Hiện không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cũng theo tài liệu của Bộ ngoại giao Việt Nam, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp l‎ý, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”. Việc Việt Nam xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục biện minh rằng “các hoạt động xây dựng, bồi đắp của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”. Ngoài ra, các hoạt động của Trung Quốc đã làm thay đổi nguyên trạng lâu nay ở Biển Đông, tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Những hành vi này vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, làm trầm trọng thêm tranh chấp, làm xói mòn lòng tin, đi ngược lại với cam kết của Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng “Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông”.

Hoàng Minh. Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! ( Kỳ 2): Vũ lực không đem lại chủ quyền
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác