Năm 2022, TP Hải Phòng chọn chủ đề năm: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện chuyển đổi số”. Không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi số được Hải Phòng xác định là động lực phát triển trong giai đoạn mới, giúp TP hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương dẫn đầu trong “top” TP số cả nước.
Những “trái ngọt” đầu tiên
Hải Phòng là một trong những TP đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số vào tháng 9/2020. Đây cũng là TP thứ ba trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, TP xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu trong top TP số của Việt Nam.
Theo ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hải Phòng, thời gian qua, việc triển khai chuyển đổi số ở các lĩnh vực đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Hiện, Hải Phòng đã có 889 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức; hơn 2.045 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cá nhân; hơn 80 chứng thư số tích hợp trên SIM PKI phục vụ các giao dịch điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước…
Bên cạnh đó, hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến TP đã được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện; 217/217 xã, phường, thị trấn. Hải Phòng cũng thực hiện cung cấp 1.232 dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, các giải pháp công nghệ được áp dụng tích cực như: Khai báo y tế điện tử; sổ sức khỏe điện tử; hệ thống quản lý tiêm chủng, xét nghiệm trên thiết bị di động.
Cùng với đó, các sở, ngành, quận, huyện đã tập trung tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến, xây dựng phát triển cơ sở dữ liệu ngành. Cụ thể, ngành Văn hóa và Thể thao triển khai việc số hóa tài liệu lịch sử lưu trữ tại thư viện; chuyển đổi phương thức lưu trữ giấy sang lưu trữ điện tử; 100% các bệnh viện triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định bảo hiểm xã hội; 100% các cơ sở kinh doanh dược tại Hải Phòng lên Cổng thông tin dược Quốc gia; 24/25 các cơ sở khám chữa bệnh thành phố đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn thành phố triển khai thanh toán thu viện phí không dùng tiền mặt (trừ Trung tâm Y tế huyện đảo Bạch Long Vỹ).
Điển hình nhất, mới đây, Hải Phòng đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh với Mô hình “Camera an ninh” tại xã Đồng Thái, huyện An Dương; Mô hình “Xã NTM thông minh” tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng…
Hiện nay, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại các ngành, đơn vị trong TP đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài việc triển khai các ứng dụng dùng chung, các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản lý gồm 10 ngành, với 18 hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tạo lập nền tảng, triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm
Như vậy, có thể thấy, chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của Hải Phòng. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm. Do đó, Hải Phòng đã có tầm nhìn xa, chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện…
Mới đây, UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03 về chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 9 nhiệm vụ trọng tâm. Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức các cấp, các ngành và nhân dân Hải Phòng về tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ việc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành TP đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thuộc quản lý của UBND TP Hải Phòng.
Trước mắt, nhiệm vụ quan trọng là kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 kiện toàn từ Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hải Phòng, gồm Trưởng ban là Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Chủ tịch UBND TP, Ủy viên là Thủ trưởng, lãnh đạo các sở, ngành. Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo do Giám đốc Sở TT&TT làm Tổ trưởng và các Tổ phó gồm Phó Giám đốc các Sở.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: “Năm 2022 là thời điểm tạo lập nền tảng và giai đoạn 2022-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hoạt động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong chuyển đổi số”.
Để xây dựng chính quyền số, trong năm 2022, một nhiệm vụ quan trọng là Hải Phòng tập trung vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân.
Đối với kinh tế số, 2022 sẽ là năm thúc đẩy thương mại điện tử đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp. Đối với xã hội số, Hải Phòng trước mắt tập trung xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến, triển khai học bạ điện tử, sổ sức khoẻ điện tử.
Phương Thanh