Với 12 khu công nghiệp đang hoạt động; nhiều khu, cụm công nghiệp khác đang được triển khai khẩn trương, với khoảng hơn 180.000 lao động, trong đó có khoảng hơn 50.000 lao động ngoại tỉnh, nhu cầu nhà ở cho công nhân của Hải Phòng luôn trong tình trạng cấp bách. Sau một thời gian dài loay hoay, lúng túng, đến nay việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại Hải Phòng đang có nhiều tín hiệu rất đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội mói cho lao động nhập cư, góp phần giữ chân người lao động trong các khu công nghiệp.
Nhu cầu cấp bách
Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, hiện mỗi ngày, công ty phải thuê hàng chục xe ca để chở công nhân đến nhà máy làm việc và chở về. Việc tổ chức đi lại không những phát sinh chi phí, mà còn ảnh hưởng tới giao thông của cả khu vực. Hiện VinFast có khoảng gần 1.000 lao động làm việc nên nhu cầu nhà ở cho công nhân đang trở nên vô cùng cấp bách.
Tại Khu công nghiệp (CN), đô thị và dịch vụ VSIP, mỗi ngày có hàng chục nghìn công nhân đến làm việc. Ngày nào cũng như ngày nào, khu vực ra vào KCN thường xuyên bị tắc đường bởi hàng trăm chiếc xe ô tô lớn đưa đón công nhân xếp hàng chờ tới lượt, ảnh hưởng rất lớn tới giao thông cả khu vực. Cũng như vậy, Khu CN Tràng Duệ cũng đặt ra những yêu cầu rất bức thiết về khu nhà ở công nhân. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Hải Phòng phải rất vất vả xử lý nhiều vấn đề liên quan tới nơi ăn, ở tập trung cho công nhân trong các khu công nghiệp. Nhất là khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vấp phải nhiều khó khăn về nơi ở cho công nhân, phải mượn một số trường học.
Chính bởi thế, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và các khu công nghiệp của thành phố đều mong mỏi sớm có chương trình xây dựng khu nhà ở công nhân để giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, tới nay, trên địa bàn thành phố mới chỉ có nhà đầu tư LG Display đề nghị và được thành phố cho phép xây dựng khu nhà ở công nhân ngay trong KCN Tràng Duệ. Đây là nhà máy duy nhất của thành phố có khu nhà ở khá tươm tất cho công nhân. Ngoài ra, Tập đoàn Đỉnh Vàng cũng tự đầu tư xây dựng một số khu nhà ở công nhân. Mặc dù vậy, để thực hiện được dự án nhà ở công nhân không dễ dàng vì phải trải qua quy trình rất ngặt nghèo, phải điều chỉnh quy hoạch, phải xin phép và rất nhiều việc khác.
Huy động doanh nghiệp vào cuộc
Xác định rõ nhu cầu cấp thiết đó, từ năm 2021, việc xây dựng nhà ở công nhân có nhiều tín hiệu đáng mừng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố; Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; các ngành, các địa phương. Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế cùng một lúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam. Đây là sự mở đầu rất tốt đẹp và cho thấy Hải Phòng quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng nhà ở công nhân.
Theo đó, dự án xây dựng khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam tại Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải có tổng vốn đầu tư 68,3 triệu USD. Theo nhà đầu tư, khu nhà ở công nhân được xây dựng trên diện tích đất sử dụng 5,6ha, quy mô xây dựng 8 tòa ký túc xá 10 tầng và 1 tòa nhà tiện ích công cộng 4 tầng, phục vụ nhu cầu lưu trú cho 10.000 công nhân.
Dự án xây dựng khu nhà ở công nhân viên của nhà đầu tư Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam (USI Việt Nam) cũng được đặt tại Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng vốn đầu tư 18,34 triệu USD, diện tích đất sử dụng 2,4ha, quy mô xây dựng 4 tòa ký túc xá 7 tầng và 1 tòa nhà tiện ích công cộng 3 tầng, phục vụ nhu cầu lưu trú cho tối đa 4.000 công nhân.
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, thành phố đã dành 48ha quy hoạch để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân ở khu vực Đình Vũ-Cát Hải. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đề xuất vừa xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ bán cho công nhân, vừa thực hiện cơ chế giao đất cho doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân. Dự kiến thời gian tới, khu vực 48ha này sẽ có khoảng 38.000 công nhân, người lao động sinh sống. Do đó, sẽ cần thêm nhiều công trình, dự án khác nhằm hoàn thiện hạ tầng và các điều kiện khác. Các chủ đầu tư cho biết, sẽ tập trung xây dựng khu nhà ở công nhân trong thời gian 2022-2023, đồng thời với việc hoàn thiện hạ tầng, có đầy đủ các tiện ích như chợ, trung tâm thương mại, trường học, khu vui chơi giải trí… phục vụ người lao động. Dự án sau khi hoàn thiện sẽ giải quyết được một phần khó khăn của doanh nghiệp như công nhân không phải di chuyển xa hoặc thuê trọ trong những khu vực không đủ điều kiện sinh hoạt; doanh nghiệp sử dụng lao động không phải bố trí xe đưa đón công nhân giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, ổn định sản xuất.
Việc triển khai được các dự án nhà ở công nhân cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Tuy nhiên, yêu cầu nhà ở công nhân cho người lao động vẫn rất lớn. Nhiều KCN khác của thành phố, đặc biệt là KCN VSIP; Nam Cầu Kiền; Tràng Duệ, An Dương, Đồ Sơn… vẫn đang rất thiếu nhà ở công nhân. Tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội mới đây, lần đầu tiên, nhà ở cho công nhân được đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Theo quy hoạch, thành phố dành một số khu đất để xây dựng nhà ở công nhân. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là trong huy động nguồn lực, bao gồm cả vốn ngân sách và vốn doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để Hải Phòng sớm có được các khu nhà ở công nhân, giải quyết một phần những khó khăn, vất vả của người lao động hiện nay, nhất là đối với người lao động nhập cư. Quan trọng nhất vẫn là giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh chóng các dự án xây dựng nhà ở công nhân./.
Hồng Thanh