Thành phố Hải Phòng đã hoàn tất triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến cho 18/20 sở, ban, ngành thành phố, 13/15 quận, huyện và 212/223 xã, phường, thị trấn.
Hải Phòng là một trong ba tỉnh, thành của cả nước sớm triển khai Hệ thống này.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu cho biết, việc triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến là hiện thực hóa Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017; các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố, Nghị Quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
Hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin được áp dụng theo quy định tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 438/TB-VPCP ngày 28/12/2016, theo hướng “Kiên quyết đẩy mạnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, thực hiện việc thuê ngoài đối với các dịch vụ công liên quan thanh toán, chi trả, bảo đảm hiệu quả, thuận tiện, tiết kiệm và công khai, minh bạch”.
Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện là một trong số ít những địa phương đã sớm áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các hệ thống thông tin trọng yếu của thành phố, tạo bước đột phá trong công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua.
Theo ông Vũ Đại Thắng, có 4 lợi ích mang lại cho các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thứ nhất là giảm áp lực về tiến độ triển khai Hệ thống.
Với mức độ phân bổ kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động đầu tư về công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi năm chỉ triển khai cho một số đơn vị.
Để triển khai được Hệ thống đồng bộ cho các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn sẽ cần khoảng thời gian rất nhiều năm mới hoàn thành. Áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin với Hệ thống này, thời gian triển khai đã đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khoảng 6 tháng.
Thứ hai, việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho Hệ thống này chỉ chiếm trên 20% so với hình thức lập dự án để đầu tư một lần. Việc thuê dịch vụ sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng và nhiều loại chi phí khác.
Thứ ba, giảm áp lực về nhân lực, không làm phát sinh nhu cầu bố trí biên chế, nhân lực phục vụ vận hành thường xuyên hệ thống. Thứ tư, giảm áp lực về yêu cầu nâng cấp, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin cho Hệ thống.
Cụ thể, đơn vị cung cấp dịch thuê Hệ thống phải chịu trách nhiệm thường xuyên nâng cấp, bảo trì hệ thống, đảm bảo Hệ thống vận hành ổn định thông suốt trong quá trình sử dụng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu cho rằng, để Hệ thống vận hành mang lại các hiệu quả thiết thực phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước thành phố cần tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực, nâng cao kỹ năng vận hành cho cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp về lợi ích do Hệ thống mang lại, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến là kết quả quan trọng để tiến tới xây dựng thành công chính quyền điện tử thành phố như mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/BTVTU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra.
Năm 2018, Hải Phòng tiếp tục triển khai rộng khắp mô hình tới các đơn vị trên địa bàn, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, hấp dẫn môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thành phố Cảng.
Đoàn Minh Huệ – Thông tấn xã Việt Nam 04/04/2018