Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của miền đất nổi tiếng hiếu học Thanh Hóa, nhưng cả sự nghiệp của Trần Nghĩa Hiệp dường như gắn bó trọn vẹn với thành phố Cảng, kể từ khi anh tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân và được phân công về Công an thành phố Hải Phòng.
Đại tá Trần Nghĩa Hiệp – Trưởng công an huyện đảo Bạch Long Vỹ
Đã nhiều lần đến Bạch Long Vỹ, nhưng bởi trùng xa nghìn dặm nên chưa dịp nào tôi thực sự dành được thời gian thật sâu để hòa mình vào cuộc sống trên đảo. Và mỗi lần nhớ đến Bạch Long Vỹ, tôi lại trào dâng cảm giác nao nao khó tả, đúng là biển mênh mông diệu vợi, khiến người ta luôn muốn được hút vào.
Đem nỗi niềm này tâm sự với Đại tá Trần Nghĩa Hiệp – Trưởng công an huyện Bạch Long Vỹ, nghe tiếng anh vui vẻ qua điện thoại: “Thì nhà báo ra đảo đi, đảo mùa này nhiều điều thú vị lắm…”. Và rồi nhân có đoàn công tác thành phố ra huyện đảo, tôi xin được tham gia, một trong những mục đích chính là để chứng kiến môi trường thực thi nhiệm vụ của Đại tá Hiệp, người được giới thiệu là một trong những cán bộ xuất sắc của lực lượng Công an thành phố.
Đón tôi ở cầu tàu, nắm tay nhau thật chặt, anh Hiệp nói: “Nhận lời để nhà báo ra đảo thôi, chứ tôi có thành tích đáng kể nào đâu mà nêu gương…”. Rồi trước khi về trụ sở Công an huyện, anh lấy xe máy chở tôi chạy một vòng quanh đảo, vượt qua bờ âu nhấp nhô những trụ bê tông chắn sóng, đến bãi đá cổ xếp gối lên nhau như những con sóng, lại vòng qua bải cỏ mướt xanh, rực rỡ những khóm cây ngũ sắc, quấn quyện cùng xương rồng gai góc. Bạch Long Vỹ thật đẹp, giữa mênh mông đại dương, trên là trời, dưới là biển, quanh năm gió bão nắng mưa, nhưng mỗi hòn đá, giọt sóng ở chốn này đều xứng đáng là một câu chuyện tình lãng mạn. Nhưng có lẽ hơn cả là những bản tình ca dào dạt, được viết lên bởi những con người đang ngày đêm bám biển bám trời giữ yên phần máu thịt của dân tộc.
Với anh Hiệp, thì đảo không còn là chuyện lạ, bởi ngay sau khi huyện Bạch Long Vỹ chính thức được thành lập năm 1993, anh Hiệp thuộc đội ngũ những chiến sỹ công an đầu tiên có mặt ở đây. Nhớ lại chuyến đi ấy, thời kỳ phương tiện hiện đại chưa được phổ biến như bây giờ, mỗi chuyến tàu ra đảo phải lênh đênh trên biển hàng ngày trời. Rời đất liền, xung quanh chỉ còn lại mênh mông một màu kin kít như chiếc đĩa úp khổng lồ, không gian như những mảng khí nặng nề quấn chặt khiến cho đại dương trở lên mờ mịt. Anh Hiệp nhớ lại: “Đảo thời ấy hoang sơ lắm, buồn và nhớ nhà, nhìn về đất liền cứ hun hút xa…”. Riêng anh, lúc ấy còn thêm một nỗi niềm, khi mà người vợ trẻ ở nhà đang mang thai đứa con đầu tiên. Kể đến đây giọng anh trầm lại: “Cứ như chuyện cổ tích nhà báo ạ!”.
Sau giai đoạn đầu đầy gian khó ấy, anh Hiệp chuyển về đất liền, được đánh giá là cán bộ tận tụy, trách nhiệm, đóng góp vào chiến công chung của lực lượng Công an thành phố. Với những thành tích và kinh nghiệm tích lũy được, năm 2007 anh được điều động ra huyện đảo Cát Hải. 7 năm công tác ở Cát Hải với cương vị Phó trưởng Công an huyện, anh đã cùng tập thể cán bộ chiến sỹ huyện đảo xây dựng được môi trường ANTT ổn định, là điểm sáng của thành phố. Nhất là trong bối cảnh Cát Hải trở thành khu vực phát triển năng động, đồng thời rất cần giữ gìn hình ảnh trước con mắt của du khách trong và ngoài nước. “Mình được điều chuyển làm Trưởng Công an huyện Bạch Long Vỹ từ năm 2014, cũng là huyện đảo nhưng điều kiện ở hai nơi khác nhau nhiều lắm…” – Đại tá Hiệp tâm sự.
Không giống những huyện đảo khác, Bạch Long Vỹ chỉ có duy nhất một hòn đảo, được xác định là tuyến tiền tiêu quan trọng chỉ đứng sau Trường Sa và Hoàng Sa, nằm trơ trọi ở cách xa đất liền nhất của vịnh Bắc Bộ. Đại tá Hiệp nhận xét: “Nếu như Cát Hải là quần đảo, thành phần dân cư phong phú thì Bạch Long Vỹ lại không giống một địa bàn nào trên cả nước…”. Chính vì vậy, thoạt đầu trở lại công tác ở Bạch Long Vỹ, anh Hiệp không khỏi có những suy tư, chưa kể tuổi tác không còn trẻ, sức khỏe cũng theo đó mà kém đi. Nhưng rồi xác định rõ nhiệm vụ, anh đã cùng tập thể cán bộ chiến sỹ Công an huyện bắt tay vào việc.
Đoàn công tác Bộ Công an do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành – Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu ra thăm đảo Bạch Long Vỹ
Huyện đảo chỉ có 192 hộ dân nhưng không khí luôn tấp nập bởi đây là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Hàng ngày lượng tàu bè, ngư dân từ khắp ngư trường vịnh Bắc Bộ ra vào, có đủ các địa phương từ các tỉnh miền Trung đến vùng Đông Bắc đất nước. Đấy là chưa kể sự phức tạp đến từ yếu tố tác động ngoại lai, đơn cử như sự xuất hiện của tàu bè nước ngoài, trong cả trường hợp họ xâm phậm chủ quyền lẫn khi họ bị trôi dạt vì sự cố thời tiết. Mặt khác, là đảo tiền tiêu nên mọi nhiệm vụ phải gắn liền với quan điểm đối sách chiến lược tầm vĩ mô của Đảng và Nhà nước, nên địa bàn nhỏ nhưng tính chất lại hết sức đặc thù, đòi hỏi tinh thần cảnh giác chiến đấu của mọi cán bộ, chiến sỹ luôn ở mức cao độ.
Anh Hiệp nói: ‘Nếu so sánh về đầu việc, về thành tích bằng con số thì Bạch Long Vỹ không thể bằng các địa phương khác…”. Nhưng điều khác biệt mà anh Hiệp chia sẻ, là mọi nhiệm vụ đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên đảo, không chỉ công an mà cả quân đội, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ và bảo vệ dân phố.
Trong đó công tác phòng ngừa được đặt lên cao nhất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lực lượng Công an huyện đã phối hợp xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động kịp thời nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các loại tội phạm. Về đóng góp đó, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường đánh giá: “Đồng chí Trần Nghĩa Hiệp cũng như toàn thể lực lượng Công an huyện luôn bám sát quan điểm, đối sách của Trung ương và thành phố, cùng quân dân huyện đảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.
Kinh nghiệm của đại tá Hiệp cho thấy, chỉ nơi nào người chiến sỹ xác định rõ tầm quan trọng của thế trận an ninh nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, để “dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ Công an nhiều hơn”, thì tình hình ANTT ở nơi đó mới ổn định bền vững. Hiện thực cuộc sống trên đảo Bạch Long Vỹ chính là hình ảnh phản chiếu rõ nét nhất.
Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Sỹ Bắc –Trưởng ban bảo vệ dân phố cho biết: “Anh Hiệp cũng như các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện luôn gần dân, hiểu dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không chỉ những gì liên quan đến ANTT mà còn rất nhiều công việc đầy tính nhân văn khác…”. Có lẽ chính vì thế, nên trong nhiều năm qua, Bạch Long Vỹ không có băng ổ nhóm tội phạm hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội, bà con nhân dân trên đảo luôn sát cánh cùng anh em cán bộ, chiến sỹ Công an, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xây dựng huyện đảo thành pháo đài vững chắc của Tổ quốc.
Khi tôi hỏi về thành tích cá nhân, anh Hiệp cười: “Tôi cũng đã cố gắng, nhưng thành tích chung là truyền thống của nhiều thế hệ Công an trên đảo chứ đâu phải riêng tôi…”. Tôi tin câu nói của anh thực lòng, bởi trong suốt cuộc trò chuyện, anh rất ít nói về mình, mặc dù trước khi gặp anh, tôi đã tìm hiểu và biết anh đã có rất nhiều chiến công được ghi nhận, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Suốt hành trình 30 năm gắn bó với lực lượng Công an Hải Phòng, trong đó hơn 1/3 thời gian phục vụ trên các huyện đảo, đại tá Trần Nghĩa Hiệp thấu hiểu rõ nhiệm vụ, không chỉ khó khăn thách thức mà cả niềm tin và trách nhiệm. Mới thấy hết ý nghĩa câu trả lời của anh: “Nhà báo hiểu cuộc sống và nhiệm vụ của anh em trên đảo rồi đấy, nhiệm vụ của chúng tôi chính là danh hiệu”.
Cuộc trò chuyện cũng đã đến lúc kết thúc, chia tay trong dạ bùi ngùi, dường như chuyến đi nào đến Bạch Long Vĩ cũng vậy, háo hức rồi bịn rịn, nồng nàn rồi sâu lắng, chợt vỡ òa rồi chợt suy tư… Tôi rời đảo khi trời đã đổ về chiều, nắng càng vàng ngắm đảo “đuôi rồng trắng” càng kỳ vỹ, Phù Thủy Châu – tên gọi khác của đảo thật đúng với ý nghĩa ấy, thỏa nỗi niềm đau đáu của đất liền luôn hướng ra với đảo. Nơi ấy, một miền sóng vỗ trập trùng, người và đảo lửng lơ giữa biển, giữa những cơn gió hoang hoắt quất ngang từ mọi phía…
Ký sự của Hoàng Minh – An ninh Hải Phòng 01/08/2018