UBND thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố về tầm quan trọng của chuyển đổi số để phục vụ việc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, UBND thành phố đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mang tính đột phá để thực hiện Chương trình hành động, bao gồm: công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện Nghị quyết; hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nền tảng số, hạ tầng số; phát triển dữ liệu; bảo đảm quốc phòng-an ninh và an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Với kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình hành động của UBND thành phố chú trọng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng các KCN thông minh, tích hợp giải pháp chế biến chế tạo thông minh gồm cả giải pháp phần mềm thông minh và thiết bị IoT; xây dựng và ban hành cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó: ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi số; ưu tiên thu hút đầu tư dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị… Bên cạnh đó, tập trung định hướng chuyển đổi số một số ngành kinh tế chính của thành phố, như: phát triển kinh tế số trong năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, phát triển Cảng và logistic, triển khai các ứng dụng số về du lịch thông minh, kinh tế số trong Tài chính-Ngân hàng…
Để công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố được thực hiện thành công, Chương trình hành động cũng hướng đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố. Đổi mới phương thức lãnh đạo, vận động quần chúng ứng dụng công nghệ số tương tác với chính quyền trên môi trường số thông suốt, hiệu quả; triển khai tái cấu trúc hoặc đổi mới mô hình hoạt động và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang không gian số dựa trên dữ liệu số. Xây dựng các chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ sử dụng cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban và UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ thành phố đến xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch UBND chỉ đạo Chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực phụ trách, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm và thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới cơ quan, đơn vị, địa phương.
Minh Hảo