Kỳ 1: Muôn hình vạn trạng thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Theo nhận định của BCĐ 389 thành phố, năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đã được kiểm soát tốt hơn, tổng số vụ việc vi phạm được phát hiện, bắt giữ, xử lý giảm so với năm 2021 nhưng tình hình vẫn diễn biến khá phức tạp. Nổi lên là phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức nhằm đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được BCĐ 389 quốc gia và thành phố chỉ đạo sát sao, thường xuyên, cụ thể, các lực lượng chức năng tập trung cao, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ nên nhiều vụ buôn lậu, hàng giả dù phương thức, thủ đoạn rất tinh vi nhưng vẫn bị phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm.
Theo Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, vụ bắt giữ và xử lý Nguyễn Văn Thủy, sinh năm 1969, trú tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) tháng 7/2021 khi đang vận chuyển số lượng kim cương và các sản phẩm trang sức bằng vàng cho thấy những diễn biến mới của hoạt động chống buôn lậu.
Đây là mặt hàng có giá trị rất cao nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu đã bất chấp tất cả. Nguyễn Văn Thủy là thuyền viên tàu Biển Đông MARINER có hải trình từ Hồng Kông (Trung Quốc) về cảng Nam Hải Đình Vũ, mang theo 1.760 viên kim cương, 481 sản phẩm trang sức (gồm dây chuyền, hoa tai, nhẫn, vòng đeo tay) bằng vàng 18K để giao cho Nguyễn Hào Nam, sinh năm 1982, cư trú tại Đồng Khê 2, phường Đồng Hòa (quận Kiến An) để đưa đi tiêu thụ. Trị giá lô hàng khoảng 15 tỷ đồng.
Ghi nhận thành tích này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có Thư khen biểu dương thành tích của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng. UBND thành phố Hải Phòng trao Bằng khen tặng 2 tập thể, 5 cá nhân thuộc Bộ đội Biên phòng Hải Phòng có thành tích xuất sắc, cùng số tiền thưởng 100 triệu đồng.
Mặt hàng xăng dầu cũng được các đối tượng tìm mọi cách để buôn lậu. Mới đây, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng kiểm tra, phát hiện phương tiện đăng ký số HP 3053 (vỏ sắt, trọng tải khoảng 7 tấn, lắp máy 15CV) hành trình theo hướng từ Thái Bình về Hải Phòng, do ông Vũ Điều Huy (sinh năm 1973, ở 9B/15 phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) điều khiển chở 5.020 lít dầu Diesel không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị tạm giữ chờ xử lý.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng cho biết, do việc kiểm tra, kiểm soát rất riết róng nên các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức để đối phó. Điển hình là hàng hóa vận chuyển một đằng, khai báo một nẻo. Cục Hải quan Hải Phòng đang xem xét lô hàng nhập khẩu gồm 2 kiện đóng trong container, ghi là đá mẫu nhưng thực chất qua khám, giám định lại là 4 sừng tê giác trắng có trọng lượng tới 19,5kg. Đây là mẫu vật của các loài động vật hoang dã bị đe dọa tiệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, vụ việc này có tính chất phức tạp, sừng tê giác có khối lượng trên 9kg, liên quan tới nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm…
Một vụ việc khác là Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng Việt-Hàn có địa chỉ tại thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội nhập khẩu lô hàng gồm 1.180 nồi chiên không dầu nhãn hiệu BASTIAN xuất xứ Trung Quốc (theo tờ khai hải quan) nhưng kiểm tra thực tế thì thấy hàng hóa có gắn nhãn BASTIAN GERMANY và quốc kỳ CHLB Đức, mã số mã vạch của Hàn Quốc. Điều này cho thấy có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cũng như vậy, Công ty TNHH thương mại DGG Việt Nam tại tầng 4, số 66 Lương Khánh Thiện, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội làm thủ tục thông quan lô hàng 756 chai màu nhuộm tóc nâu hạt dẻ; 4.480 hộp màu nhuộm tóc màu đen của Trung Quốc nhưng trên bao bì trực tiếp của sản phẩm lại có tên tổ chức có địa chỉ tại Nhật Bản, quốc kỳ Nhật Bản, mã số mã vạch Nhật Bản. Đây là hành vi nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Hay như Công ty TNHH Thương mại An Hưng tại số 211C Hai Bà Trưng, Hải Phòng khai báo nhập khẩu 2.000kg hải sâm khô nhưng kiểm tra lại là hải sâm vú đen (thuộc danh mục các loại động vật hoang dã, nguy cấp)…
Những kết quả đáng ghi nhận
Những kết quả trên cho thấy, mặc dù các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả có nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng các lực lượng chống buôn lậu của thành phố cũng dày dạn hơn rất nhiều, cộng với ý chí và quyết tâm cao, kiên trì, phối hợp chặt chẽ, chọn đúng thời điểm nên đã triệt phá, phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ lớn.
6 tháng năm 2022, các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của thành phố xử lý 2.370 vụ (giảm 14% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, xử lý hành chính 2.334 vụ (giảm 15,3%); xử lý hình sự 36 vụ (24 đối tượng), tăng 45%; nộp ngân sách Nhà nước 889 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Hải quan Hải Phòng, Bộ đội Biên phòng, Vùng cảnh sát biển 1, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế… là những đơn vị liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, xử lý của Hải Phòng được BCĐ 389 quốc gia đánh giá cao, ghi nhận. BCĐ 389 của thành phố cũng có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, tạo thuận lợi và chỉ đạo tổng thể, đồng bộ, tập trung vào các khu vực, các ổ nhóm, các đường dây lớn, kịp thời khen thưởng, động viên cán bộ, chiến sỹ nên góp phần làm “chùn bước” các tổ chức, ổ nhóm và các hành vi vi phạm.
Hồng Thanh