Print Thứ Năm, 26/05/2022 09:45 Gốc

Ngày 25/5/2022, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ Ba tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Năm 2021, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống dịch, tăng cường tiêm chủng vắc xin, góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế. Các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm nay. Đồng thời đánh giá cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, cho thấy Quốc hội nhận diện chính xác, đánh giá sâu sắc những vấn đề đang đặt ra.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi cho rằng, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện năng lực của các cơ quan của Quốc hội mà quan trọng hơn sẽ là định hướng để Quốc hội xem xét, hoàn thiện thể chế và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hiệu quả hơn. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về sự bền vững trong phục hồi, phát triển kinh tế trước những diễn biến phức tạp về địa chính trị, kinh tế trên thế giới, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục như giải ngân đầu tư công, giải ngân gói chính sách tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội…

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân phát biểu thảo luận.

Quan tâm đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng) cùng một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng với những kết quả nổi bật. Các công cụ của chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và đồng bộ; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều tiết những thanh khoản làm ổn thị trường tiền tệ. Ngoài ra còn có sự kiểm soát theo đúng mục tiêu và cung ứng nguồn vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua thảo luận, một số đại biểu thống nhất đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể của việc ban hành định mức tiêu chuẩn, lấy đó làm thước đo hiệu quả thực hành tiết kiệm; đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, cũng như khen thưởng đối với cá nhân, tập thể phát hiện vụ việc gây lãng phí… Song, đại biểu Quốc hội Tống Văn Băng (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh việc tinh giản biên chế, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét tăng lương đối với cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, giải quyết tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần; đồng thời quan tâm hơn đến chính sách đào tạo người lao động…

Đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Quốc hội ban hành Nghị quyết 35 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng từ tháng 11/2021 nhưng hiện vẫn còn nhiều quy định đang chờ hướng dẫn. Thành phố mong muốn sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để Nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống.Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang đề cập tới hiệu quả trong chủ trương tinh giản biên chế. Tuy nhiên theo đại biểu, trên thực tế vẫn đang phát sinh nhiều vướng mắc, nơi cần thì không được tăng biên chế, nơi có biên chế thì hiệu quả không như mong muốn. Vì thế, đại biểu đề nghị tăng cường phân cấp cho các địa phương về biên chế, để các địa phương có quyền chủ động, bảo đảm sự linh hoạt trong sử dụng biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang nhận định áp lực rất lớn, như tại Hải Phòng, nguồn lực đầu tư khá lớn, hiện còn hơn 5.000 tỷ đồng chưa phân bổ nhưng tiến độ giải ngân rất chậm. Một trong những nguyên nhân kìm hãm đó là tư tưởng sợ sai, không dám làm. Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu có quy định, nguyên tắc cụ thể, rõ ràng. Nếu cán bộ nào cố tình làm sai sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu sai do rủi ro, do cơ chế thì cũng cần cân nhắc, xác định rõ để khuyến khích, động viên cán bộ.

Tham gia thảo luận tại Tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 đặt mục tiêu 5 năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%. Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%, cộng thêm 2% từ thực hiện gói chính sách theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thì mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ là 8-8,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,58% (so với 2,91% đã báo cáo). Ngân sách tăng thêm gấp 9 lần số ước thực hiện nhưng tăng trưởng lại giảm. Do đó, vấn đề quan trọng nhất bây giờ, theo Chủ tịch Quốc hội, là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8-8,5% và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội lo lắng như giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm. “Chi ngân sách nói chung hiện nay đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, hiện mới có danh mục gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới chỉ có tên danh mục chứ chưa phải là các dự án đã chuẩn bị đầu tư xong. Gói chính sách về y tế là chưa có danh mục đầu tư nào. Hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa giải ngân được…”.

Nêu thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát với địa phương phân tích kỹ vấn đề này. Tiền có nhưng không tiêu được. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai. “Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế là không vướng gì cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và chi tiêu ngân sách nhà nước rất thấp. Đọc quyết toán ngân sách năm 2021 sẽ thấy, tình trạng này kéo dài mấy năm nay, một năm mà chi chuyển nguồn hơn 600 nghìn tỷ đồng. Không phải là không có tiền mà là có tiền nhưng không tiêu được. Quốc hội và Chính phủ đều băn khoăn vấn đề này, các đồng chí là người sát nhất ở địa phương xem lý do vì sao không tiêu được? Cần phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn. Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?” Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát tại địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội, cho Chính phủ về vấn đề này.

Trước một số ý kiến cho rằng cần ban hành Luật hoặc có khung khổ pháp lý cao hơn để xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết 42 chính là luật về xử lý nợ xấu. Tình huống đặc biệt nên Quốc hội mới ban hành Nghị quyết này. Về mặt nguyên tắc, các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết này chỉ áp dụng trong thời gian nhất định. Không có luật riêng nào về xử lý nợ xấu nữa. Cũng không có khung nào nữa vì khung này (theo Nghị quyết 42) là cao nhất rồi. Bây giờ Quốc hội quyết định cho phép kéo dài đến hết năm 2023, trong quá trình đó phải có các quy định trình Quốc hội sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng, chậm nhất là Kỳ họp đầu năm 2023 để khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, sang năm 2024 thì đã có Luật Các tổ chức tín dụng thay thế.

LHT

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng phục hồi nền kinh tế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác