Duy trì hoạt động các tuyến hiện có
Thường xuyên sử dụng xe buýt tuyến số 18 từ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đến xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) nên mới đây khi nghe thông tin HĐND thành phố chấm dứt hiệu lực Nghị quyết số 29 của HĐND thành phố về điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố năm 2025, định hướng đến năm 2030, chị Hoàng Thị Thảo, ở thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) lo lắng tuyến xe buýt số 22 sẽ bị ngừng hoạt động. Không chỉ chị Thảo, nhiều người dân có nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại bằng xe buýt thời gian qua đều có chung tâm trạng.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, việc chấm dứt Nghị quyết số 29 không ảnh hưởng đến hoạt động mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục được thực hiện theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐCP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các Quy chế quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Quyết định 29/2021/QĐ-UBND thành phố. Việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt sẽ được thực hiện trên cơ sở Quy hoạch thành phố, quy hoạch chi tiết các quận, huyện có liên quan và xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường bộ Hải Phòng Triệu Hạo Nhiên cho biết: Việc chấm dứt Nghị quyết 29/NQ-HĐND không ảnh hưởng tới hoạt động các tuyến xe buýt đơn vị đang khai thác. Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt, đơn vị thường xuyên rà soát, đề xuất hợp lý hóa luồng, tuyến, biểu đồ chạy xe, cải thiện chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện và văn hóa phục vụ đối với công nhân lái xe, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện. Theo Trung tâm Quản lý, bảo trì giao thông công cộng và Đăng kiểm thủy (Sở Giao thông Vận tải), nhiệm vụ duy tu, sửa chữa, bổ sung hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt như: nhà bán vé, nhà chờ, vạch sơn, biển báo… tiếp tục được đơn vị duy trì thực hiện.
Phát triển đường sắt đô thị
Bên cạnh tiếp tục duy trì hoạt động đối với tuyến xe buýt hiện có, nhất là các tuyến kết nối tới huyện đảo Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng với trung tâm thành phố, UBND thành phố có Thông báo 236/TB-VP giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì cùng các sở ngành địa phương liên quan nghiên cứu lập đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết hợp giao thông công cộng. Hiện, Sở Giao thông Vận tải đang chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu đề án theo hình thức viện trợ không hoàn lại. Đề án dự kiến sẽ nghiên cứu đồng bộ đường sắt đô thị kết hợp mạng lưới xe buýt, đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng của Hải Phòng trong tương lai.
Trong đó, tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt từng giai đoạn đến năm 2030 (khi chưa có đường sắt đô thị) và giai đoạn sau 2030 (khi có đường sắt đô thị) với chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể. Đồng thời, đề xuất nhóm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động các tuyến xe buýt; nhóm giải pháp quản lý, giám sát hoạt động xe buýt; quỹ đất dành cho phát triển xe buýt công cộng…
Với kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải làm rõ các nội dung Quyết định 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050; Quyết định 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc quy hoạch làm rõ hướng, tuyến đi qua các tuyến đường, khu vực thành phố, các đoạn đi ngầm/ trên cao, vị trí nhà ga và phương án kết nối các loại hình vận tải hành khách khác; loại hình công nghệ đường sắt từng đoạn tuyến; quỹ đất, chi phí, phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư…
Chấm dứt quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Nghị quyết 29 trên địa bàn thành phố là cần thiết khi nhiều chỉ tiêu đạt thấp, không phù hợp xu thế phát triển. Song, để chấm dứt không làm “yếu đi” hoạt động hiện tại của tuyến xe buýt có sản lượng vận chuyển tăng đều qua các năm và được dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới; khu vực đường sắt đô thị chưa “vươn tới” là điều thành phố, Sở Giao thôngVận tải cần tính toán, tìm lời giải thỏa đáng, nhất là đối với một số tuyến xe buýt đang thực hiện “đa mục tiêu” để vừa khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Bài và ảnh: VĂN CƯỜNG
Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc…
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 247/KH-UBND triển khai thi hành Luật Đường…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 về việc…
Thời điểm đầu tháng 11 này, đa số các doanh nghiệp ổn định việc làm,…
Sau bão số 3 đến nay đã gần 2 tháng nhưng nhiều cánh rừng cây…
Sáng 3/11, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More