Xóa bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy, hay vẫn duy trì và tiếp tục cải tiến là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định này.
Trước đề xuất bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp phục vụ việc thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Tài chính đã có quan điểm về vấn đề này.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1.1.2023. Trong quá trình xin ý kiến cũng có một số ý kiến đề nghị xem xét bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy. Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình Quốc hội.
Luật đã được 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bộ Tài chính cho rằng, khoản 1 Điều 601 Bộ Luật dân sự và khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ đều xác định xe cơ giới (bao gồm cả ôtô và xe mô tô, xe gắn máy) là nguồn nguy hiểm cao độ.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nêu rõ: “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội“. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Chính phủ được giao quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.
Hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ôtô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe) hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe).
Để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore,… đã có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ôtô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã 34 năm (từ năm 1988 theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng).
Hiện nay mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14.10.2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
“Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ôtô, xe máy“, Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm.
Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ Tài chính sẽ thống nhất bỏ quy định này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết VCCI cũng đề xuất sửa đổi nhiều quy định giúp tăng tỉ lệ chi trả đối với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
Gồm có: Giảm mức phí bảo hiểm; tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỉ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác.
Anh Tuấn