Print Thứ Bảy, 11/11/2023 20:32 Gốc

Về Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản ( gọi tắt là VJEPA):

Cơ chế giải quyết tranh chấp Việt Nam- Nhật Bản tồn tại dưới hình thức một bộ phận cấu thành của Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA). Cần lưu ý rằng VJEPA có cấu trúc hơi khác biệt so với các Hiệp định Việt Nam từng ký kết trước đây. Do yêu cầu về thể chế pháp lý của Nhật Bản nên Hiệp định có “ hai lớp”, bao gồm Hiệp định giữa Nhật Bản và Việt Nam về Đối tác kinh tế ( Hiệp định chính) và Hiệp định thực hiện giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam theo VJEPA ( Hiệp định thực hiện). Cơ chế giải quyết tranh chấp Việt Nam- Nhật Bản là một chương ( Chương 13) trong Hiệp định chính, bao gồm 9 điều, từ Điều 116 đến Điều 124. Quy định về giải quyết tranh chấp Việt Nam- Nhật Bản trong VJEPA khá ngắn gọn, và về cơ bản, tương đồng với những quy định trong cơ chế ASEAN- Nhật Bản.

Về phạm vi điều chỉnh: Cơ chế giải quyết tranh chấp Việt Nam- Nhật Bản điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của VJEPA, trừ các lĩnh vực về kiểm dịch, vệ sinh động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), Hợp tác và Phát triển môi trường kinh doanh. Cũng giống như các cơ chế khác, cơ chế Việt Nam- Nhật Bản chỉ chấp nhận giải quyết các tranh chấp vi phạm chứ không áp dụng cho các tranh chấp không vi phạm hay các khiếu nại tình huống.

Về cơ quan giải quyết tranh chấp: VJEPA quy định về việc thành lập Ủy ban trọng tài trong Điều 119 của Hiệp định. Việc thành lập Ủy ban trọng tài được quy định theo 3 căn cứ sau đây:

– Yêu cầu tiến hành tham vấn không được Bên bị khiếu nại trả lời trong thời hạn quy định là 30 ngày, tính từ ngày Bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn.

– Việc tham vấn không được tiến hành trong thời hạn quy định. Thời hạn này là 30 ngày, kể từ ngày Bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn. Đối với trường hợp khẩn cấp, thời hạn trên là 15 ngày.

– Việc tham vấn được tiến hành nhưng không giải quyết được tranh chấp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn. Đối với trường hợp khẩn cấp, thời hạn này là 30 ngày.

Về thành phần của Ủy ban trọng tài:

Ủy ban trọng tài theo quy định của VJEPA gồm 3 thành viên. Cơ sở lựa chọn thành viên của Ủy ban trọng tài là kiến thức, kinh nghiệm, tính khách quan, sự tin cậy, độc lập và công tâm.

Mỗi bên trong vụ tranh chấp sẽ chỉ định một trọng tài viên và không có hạn chế về mặt quốc tịch của trọng tài viên này. Sau khi cử ra hai trọng tài viên, các bên tranh chấp sẽ cùng nhất trí cử ra một trọng tài thứ ba làm Chủ tịch Ủy ban trọng tài bằng cách mỗi bên sẽ đề cử 3 người vào vị trí Chủ tịch Ủy ban trọng tài, sau đó sẽ thống nhất lựa chọn 1 người. Trong trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí được về trọng tài viên thứ ba trong vòng 30 ngày, kể từ ngày chỉ định xong thành viên thứ hai, Tổng Giám đốc WTO sẽ chỉ định ( hoặc Phó Tổng Giám đốc hay quan chức cấp dưới trực tiếp chỉ định, nếu Tổng Giám đốc mang quốc tịch của một bên tranh chấp).

Chủ tịch của Ủy ban trọng tài không phải là người mang quốc tịch của bất kỳ bên nào trong tranh chấp và không cư trú hoặc làm việc trên lãnh thổ của bất cứ bên nào trong tranh chấp.

Về chức năng của Ủy ban trọng tài:

Chức năng của Ủy ban trọng tài được quy định tại Điều 120 VJEPA. Theo đó, chức năng chính là đưa ra đánh giá khách quan về vụ tranh chấp, bao gồm xem xét những tình tiết của vụ việc, đánh giá tính phù hợp và tuân thủ các hiệp định liên quan. Trường hợp Ủy ban trọng tài kết luận một biện pháp là không phù hợp với hiệp định liên quan thì sẽ khuyến nghị bên vi phạm sửa đổi biện pháp đó cho phù hợp. Ủy ban trọng tài cũng có thể đề xuất các biện pháp để bên vi phạm thực hiện được khuyến nghị.

Ủy ban trọng tài phải giải thích các điều khoản của các hiệp định liên quan, phù hợp với tập quán giải thích luật công pháp quốc tế. Trong các kết luận và khuyến nghị của mình, Ủy ban trọng tài không được thêm hay bớt các quyền và nghĩa vụ được quy định trong các hiệp định liên quan.

Ủy ban trọng tài phải thường xuyên trao đổi với các bên tranh chấp và tạo cơ hội để đạt được giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên và trong quyết định của mình, phải trình bày rõ các kết luận về mặt pháp lý và thực tiễn cũng như lý do đưa ra các kết luận đó.

Phán quyết của Ủy ban trọng tài có giá trị chung thẩm và bắt buộc thực hiện đối với các bên tranh chấp.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp trong các FTA Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập   
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác