Print Thứ Bảy, 06/08/2022 09:45 Gốc

Zalo ra đời cách đây 10 năm và đến nay, ứng dụng này đã có được sự ưu ái của người dùng Việt. Nhưng với những thay đổi từ chính sách, liệu Zalo còn có thể là “dấu nhớ” trong lòng người dùng nữa không?

Từ ngày đầu bước chân vào thị trường, Zalo đã gây dựng tên tuổi là một ứng dụng nhắn tin miễn phí do người Việt làm cho người Việt. Nhờ thiện cảm ban đầu đó, Zalo đã có vị trí nhất định tại thị trường Việt Nam.

Từ người lớn tuổi tới người trẻ, ai cũng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản Zalo bằng số điện thoại, đây được xem là yếu tố giúp Zalo nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam.

Zalo được gì sau 10 năm

Zalo được Công ty cổ phần VNG lần đầu tiên ra mắt bản thử nghiệm với người dùng Việt vào tháng 8 năm 2012 và 4 tháng sau ra bản chính thức. Chỉ sau hai năm ra mắt, Zalo đã đạt con số 7 triệu người dùng, xếp thứ hai thị trường ứng dụng nhắn tin ở thời điểm đó.

Zalo cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dùng nhờ khả năng cung cấp đường truyền ổn định. Ứng dụng này tiếp tục tận dụng thời cơ, cải tiến và bổ sung thêm nhiều tính năng mới như hai phiên bản dùng song song là Mobile và PC hay gửi video hoặc tệp tài liệu qua tin nhắn,…

Mười năm kể từ thời điểm ra mắt, Zalo nay đã trở thành ứng dụng được nhiều người sử dụng bậc nhất tại Việt Nam, với khoảng 74,7 triệu tài khoản. Năm 2021, có tới 620 tỷ tin nhắn được chuyển đi và có 52 tỷ phút gọi video được thực hiện qua nền tảng này.

Mới đây, một giải thưởng danh giá từ tạp chí Anh Quốc Global Brand Magazine vừa công bố một ứng dụng được xem là ứng dụng nhắn tin hàng đầu Việt Nam bên cạnh WeChat (thuộc thị trường Trung Quốc) và Whatsapp (ứng dụng nhắn tin tốt nhất tại Mỹ).

Giải thưởng này được ghi nhận dựa vào sự phát triển về số lượng người dùng, chất lượng và những đóng góp vào đời sống xã hội. Và ứng dụng Zalo chính là ứng dụng được tạp chí này vinh danh là ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại Việt Nam khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá trên.

Những năm gần đây, ngoài tính năng gọi video call, chat thông thường, Zalo còn cung cấp các tính năng như quét mã QR, dịch vụ tra cứu thông tin điện nước, tính năng ví giấy tờ online, và trở thành kênh liên lạc trong mô hình chuyển đổi số cùng cơ quan nhà nước.

Trước đó, theo báo cáo quý IV/2021 của Dicision Lab, Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam, tăng 10% điểm so với quý trước. Báo cáo cũng cho biết 48% số người tham gia khảo sát chọn Zalo là ứng dụng liên lạc với người thân.

Trong khi đó, con số này của Facebook và Facebook Messenger lần lượt là 27% và 20%. Giữa năm 2021, Tổ chức Adsota cũng công nhận Zalo là ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam.

Điều này chứng tỏ Zalo ngày càng không thể thiếu đối với cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Và việc chuyển đổi mô hình từ miễn phí sang tính phí với một thị trường hơn 70 triệu người dùng chắc chắn là điều không dễ dàng.

Thu phí người dùng: Nước cờ mạo hiểm?

Zalo thông báo tới người dùng từ ngày 1/8, ứng dụng nhắn tin qua internet phổ biến nhất tại Việt Nam chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng.

Như vậy, người dùng cá nhân nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng có thể nâng cấp lên 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite. Tuy nhiên, hiện tại Zalo chỉ mới cho phép đăng kí thử nghiệm gói Pro với giá 5.500 đồng/ngày (dùng thử miễn phí đến hết ngày 30/8) với các lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt chat với người lạ, hỗ trợ danh bạ tối đa 3.000 liên hệ… 2 gói còn lại gồm Standard (giá 2.800 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày) chưa ấn định ngày ra mắt.

Thay vì mở rộng dịch vụ để áp dụng cho thuê bao và giữ nguyên những gì vốn có trên bản miễn phí như nhiều ứng dụng OTT khác đang làm, Zalo được cho là “bóp” khá nhiều tính năng đối với phiên bản không sử dụng gói thuê bao.

Nếu không sử dụng bản trả phí, người dùng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa chỉ 1.000 liên hệ. Ngoài ra, tài khoản thường còn gặp những hạn chế: Mỗi tài khoản chỉ được trả lời tin nhắn từ người lạ 40 tin mỗi tháng; sẽ không sử dụng được username; chỉ có 5 tin nhắn nhanh…

Nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ. Bên cạnh đó, người lạ cũng sẽ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký, số lượng tìm kiếm người khác qua số điện thoại cũng giới hạn còn 40 lần.

Động thái trên của zalo đã gây ra tranh cãi lớn và không ít người dùng cho biết sẵn sàng xoá app, tải ứng dụng mới thay thế.

Quyết định thu phí người dùng của Zalo liệu có đạt được kết quả tích cực?

Giới chuyên môn cho rằng VNG (công ty mẹ của zalo) đang “nghe ngóng” phản ứng của người dùng với thông tin Zalo có thể thu phí để tính toán cho những bước đi tiếp theo thời gian tới.

Từ đó, công ty có thể điều chỉnh lại những quy định, thời gian áp dụng để người dùng dần chấp nhận việc thu phí, không gây ra làn sóng phản đối quá dữ dội.

Mặt khác, việc triển khai thu phí người dùng của Zalo được diễn ra trong bối cảnh VNG đang lên kế hoạch IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm 2022.

Tuy vậy, thu phí người dùng vốn quen với việc sử dụng miễn phí là vấn đề rất nhạy cảm. Zalo có thể đối diện cuộc khủng hoảng nếu làm “mất lòng” các khách hàng.

Trong quá khứ, Zalo từng gặp không ít sự cố lớn như mất dữ liệu người dùng quy mô lớn hay dừng hoạt động trong thời gian dài. Khi thu tiền của người dùng, những vấn đề của Zalo chắc chắn không dễ được “tha thứ” như trước.

Nguồn thu cho “công ty mẹ” vẫn là ẩn số

10 năm phát triển Zalo, VNG đã có được nhiều thành tựu nhất định đến thời điểm hiện tại. Ngoài cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí, Zalo còn trang bị nhiều công cụ, tiện ích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng trong xã hội như làm việc, học tập, tra cứu thông tin điện nước…

Tuy nhiên, dù VNG trong những năm gần đây liên tục mở rộng các mảng kinh doanh như fintech với Zalo Pay, thương mại điện tử với Zalo Shop hay quảng cáo với Zalo Ads, Hệ sinh thái Zing,… thì nguồn thu chính của kỳ lân Việt Nam vẫn đến từ mảng game. Trong khi đó, Công ty cổ phần Zion, công ty sở hữu ZaloPay, vẫn còn lỗ luỹ kế sau nhiều năm.

Hiện VNG đang nắm giữ 62,32% cổ phần của Zion. Gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát (485 tỷ đồng) tương ứng với 40% mức lỗ trong năm 2021 của Zion. Như vậy, trong năm 2021, Zion đã lỗ khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.

Trong khi Facebook có nguồn thu thuộc hàng lớn nhất giới công nghệ thì đến nay thông tin về nguồn thu của Zalo vẫn là một ẩn số. Sau 10 năm đầu tư vào Zalo, ứng dụng tin nhắn này cùng với mảng thanh toán (ZaloPay), thương mại điện tử (Tiki) là 3 “cỗ máy tiêu tiền” của VNG. Vì thế, áp lực kiếm tiền với Zalo là hiện hữu. Do vậy, việc Zalo có bước sang giai đoạn khai thác mới để tạo ra doanh thu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong năm 2021, doanh thu của VNG đạt 7.651 tỉ đồng thì mảng kinh doanh game mang về gần 6.200 tỉ đồng, tăng 30% so với năm trước và chiếm tới 80% tổng doanh thu. VNG không công bố riêng doanh thu của Zalo mà chỉ công bố doanh thu chung của mảng dịch vụ trực tuyến trong năm 2021 là 1.001 tỉ đồng. Hiện ngoài Zalo, VNG có hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing (Zing TV, Zing MP3, tạp chí điện tử Zing News), ứng dụng Báo Mới…

Nhiều người cho rằng, việc công ty mẹ của Zalo không công bố doanh thu của ứng dụng này là do lượng doanh thu chưa đủ lớn, không thấm vào đâu so với số tiền đầu tư đã bỏ ra để nghiên cứu, vận hành ứng dụng. Đây có thể cũng chính là lý do khiến Zalo vừa có động thái thu phí người dùng và bóp tính năng với những người không chịu trả phí.

Đáng chú ý, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến của VNG năm 2021 đem về 1.001 tỷ đồng doanh thu, tăng 18 tỷ đồng so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên mảng kinh doanh lớn thứ 2 của VNG vượt mốc 1.000 tỷ.

Hiện VNG vận hành nền tảng OTT Zalo, hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing (Zing TV, Zing MP3, Zing News), Báo Mới…phần lớn đều luôn nằm trong top những website được truy cập nhiều nhất Việt Nam.

Trong quý II/2022, VNG báo lỗ sau thuế 371,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lãi 221,3 tỷ đồng. Dù vậy, VNG vẫn lên kế hoạch đạt gần 10.200 tỷ đồng doanh thu năm 2022. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay.

Thùy Linh (Tổng Hợp)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Zalo sau 10 năm: Vẫn là “cỗ máy tiêu tiền” của công ty mẹ VNG
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác