Bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn đang diễn biến khó lường do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại.
Chính vì vậy, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp tiếp cận tới mọi thị trường và là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, đây không phải là cây đũa thần đưa doanh nghiệp đến với thành công nhanh chóng nếu thiếu sự chủ động và chuyên nghiệp.
Xuất khẩu không giới hạn
Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước.
Thế nhưng, hầu hết các hoạt động này mới chỉ tập trung tại thị trường nội địa hoặc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới, trong khi đây là cách thức tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả, với khả năng lợi nhuận cao.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi theo phương thức mua sắm và thanh toán online.
Đồng nghĩa với việc này là khả năng giao dịch và bán hàng toàn cầu cũng ngày một lan rộng. Và xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp bởi đây không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu thực sự chủ động.
Các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra thương mại điện tử hiện thực hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội.
Do đó, sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất, sẽ trở thành xu thế toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu trực tuyến.
Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết nếu như trước kia sản lượng xuất khẩu của công ty chỉ chiếm từ 5-7% nhưng kể từ khi áp dụng phương thức xuất khẩu trực tuyến, sản lượng xuất khẩu năm 2019 đã tăng 13%. Vì vậy, công ty đặt mục tiêu năm 2020 này sẽ phấn đấu đạt trên 20% sản lượng xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến.
Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu trực tuyến đã trở thành kênh quan trọng cho các nhà xuất khẩu; trong đó có Việt Nam.
Hiện tại đã có 32% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến. Đặc biệt, thông qua phương thức này, các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian và thậm chí còn giúp giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng cũng như thiết lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu.
Nhằm góp phần thay đổi ngành xuất khẩu Việt Nam, đầu tháng 10 vừa qua Tập đoàn Novaon và Alibaba cùng khởi xướng chương trình “1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp quan tâm đăng ký chỉ sau 3 tuần.
Ông Trần Thanh Hải kỳ vọng sự kết hợp giữa bề dày kinh nghiệm của Novaon và sức mạnh của các nền tảng toàn cầu Google, LinkedIn, Alibaba sẽ đưa tới cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam một giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến hiệu quả cao.
Thay đổi để thích ứng
Mặc dù ứng dụng thương mại điện tử đem lại rất nhiều tiện ích, tuy nhiên khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lại chỉ ra rằng trong số hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động về xuất nhập khẩu nhưng mới có 49% doanh nghiệp có website về thương mại điện tử, 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch toàn cầu Iexport.vn Công ty Fado Việt Nam khẳng định thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi tham gia hoạt động xuất khẩu trực tuyến là còn hạn chế về ngoại ngữ cũng như hiểu biết về quy tắc trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, trong khi giao dịch các doanh nghiệp Việt mỗi khi gặp cản trở lớn là lại trở về thói quen kinh doanh truyền thống. Điều này lý giải vì sao kết quả xuất khẩu trực tuyến vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay xuất khẩu theo hình thức truyền thống gặp nhiều trở ngại từ dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp đã chăm chút kỹ hơn website, đầu tư hình ảnh sản phẩm, thông số kỹ thuật, các tiêu chuẩn kỹ thuật để bạn hàng quốc tế dễ dàng tìm kiếm.
Hơn nữa, trong xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp phải biết quản trị rủi ro, ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn hợp đồng/proforma cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, đồng thời mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro trong quá trình giao dịch.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu trực tuyến là xu thế tất yếu và cũng là phương thức giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào môi trường thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại đang tham mưu, đề xuất xây dựng điều chỉnh các cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại để phù hợp với yêu cầu phát triển ngoại thương, xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam hiện nay.
Cụ thể là xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử thông qua việc mở tài khoản, duy trì tài khoản/tư cách thành viên, xây dựng quy trình đánh mã, quản lý kho các sản phẩm dự định bán trên thương mại điện tử.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định việc xuất khẩu qua thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu nhưng thách thức cũng đi kèm là nền tảng công nghệ và nhân lực số.
Bởi vậy các doanh nghiệp cần khắc phục nhanh những hạn chế này để có thể tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung mà bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thương mại điện tử; cải cách hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ song phương, đa phương… giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020.
Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 mà ECVN được kỳ vọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA.
Đây được nhận định là những bước đi bài bản, cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có nhu cầu tham gia xuất khẩu trực tuyến mở rộng quy mô và phát triển thương hiệu./.
Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More