Sau khai giảng năm học mới 2019-2020, một số cơ sở tư nhân tại địa bàn huyện Thủy Nguyên mở dịch vụ “lớp ăn trưa” gần trường học để phục vụ học sinh tiểu học có nhu cầu, giảm thời gian cha mẹ đưa đón.
Đây là dịch vụ tự phát, liên quan đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Song, hiện chưa cơ quan chức năng nào quản lý mô hình này.
Đáp ứng nhu cầu cha mẹ học sinh
Đối diện với Trường tiểu học Cao Nhân, ở thôn Nhân Lý, xã Cao Nhân là cơ sở “Lớp ăn trưa Kid House” do chị Phạm Thị Thúy làm chủ. Hằng ngày, giờ tan học buổi trưa, rất đông học sinh được nhân viên của cơ sở Kid House đưa đón từ trường về đây để ăn cơm, nghỉ ngơi. Phòng rộng khoảng 30 m2 được bố trí làm nơi nghỉ ngơi cho các cháu. Chị Thúy cho biết: Trường tiểu học Cao Nhân chưa bố trí học sinh bán trú, nhưng lại tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày. Trước nhu cầu gửi con của nhiều cha mẹ, chị Thúy mở dịch vụ lớp ăn trưa. Hiện lớp ăn trưa có 27 học sinh. Mỗi ngày, chị Thúy thu 20 nghìn đồng tiền ăn trưa/học sinh và 10 nghìn đồng tiền trông trưa/học sinh.
Tại xã Hoa Động, chị Vũ Thị Thắm, ở gần Cầu Đen cũng mở dịch vụ “Lớp ăn trưa Phúc Anh”. Lớp ăn trưa nằm trong cơ sở nhóm trẻ tư thục Mặt trời bé thơ. Chị Thắm cho biết, tầng 1 và tầng 2 dành cho các cháu mầm non học, tầng 3 dành cho lớp ăn trưa. Lớp mới mở trong tháng 9-2019, nên hiện mới có 5 học sinh của Trường tiểu học Hoa Động đến ăn trưa. Cơ sở cách trường khoảng 500 m, nên vào 10 giờ 30 phút hằng ngày, chị đưa đón học sinh tại trường về. Tại đây, chị cho trẻ ăn trưa, ngủ, nghỉ và đến 13 giờ 30 phút, chị lại chở các cháu học sinh đến trường bằng xe máy. Mỗi tháng, chị thu 700 nghìn đồng/trẻ nếu cha mẹ học sinh có nhu cầu đưa đón trẻ 3 tầm trong ngày và 600 nghìn đồng/học sinh nếu đưa đón 2 tầm/ngày bao gồm tiền ăn trưa và đưa, đón học sinh. Chị lập nhóm Zalo với các cha mẹ học sinh có con trong lớp ăn trưa. Sinh hoạt của các cháu tại lớp được chị chụp lại và thông tin hằng ngày lên nhóm Zalo để cha mẹ yên tâm.
Hiện nay, tại các xã Chính Mỹ, Tân Dương cũng đang hình thành lớp ăn trưa cho trẻ tiểu học để đáp ứng nhu cầu đưa, đón con của nhiều cha mẹ học sinh. Chị Nguyễn Thu Trang, ở xã Hoa Động cho biết: Vợ chồng chị làm ở Khu công nghiệp VSIP (ở xã Tân Dương) cả ngày, tối mới về nhà, ông bà nội, ngoại đều ở xa, nên chị thấy lớp ăn trưa rất hợp lý để gửi gắm con. Tuy nhiên, chị lo ngại, đây là dịch vụ liên quan đến chăm sóc trẻ, sẽ do cơ quan nào quản lý?!
Cần kiểm tra, quản lý theo quy định
Trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn hạn chế, mô hình lớp ăn trưa bán trú ngoài trường đáp ứng nhu cầu của nhiều cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, các mô hình trên đều tự phát và chưa được cấp phép hoạt động.
Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân Hoàng Bảo Chung cho biết: Trên địa bàn xã có 3 nhóm trẻ tư thục được cấp phép, nhưng địa phương mới vừa biết thông tin về “Lớp ăn trưa Kid House”.
Qua kiểm tra ban đầu cho thấy: Lớp Kid House được mới mở từ tháng 9-2019. Vì đây là hoạt động liên quan đến nhiều vấn đề an toàn của trẻ nhỏ như: vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy, xâm hại trẻ em… và phải có người quản lý các cháu. Do đó, UBND xã sẽ thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất và tổ chức lớp ăn trưa này có bảo đảm điều kiện chăm sóc trẻ bán trú buổi trưa hay không. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa có quy định cụ thể, nên UBND xã Cao Nhân mong được hướng dẫn của các ngành chức năng liên quan về hoạt động của lớp ăn trưa ngoài trường học.
Phó trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thủy Nguyên Trần Thị Mai Phương cho biết: Thực tế, trên địa bàn huyện, nhiều cha mẹ học sinh là công nhân trong các khu công nghiệp như: VSIP, Nam cầu Kiền… nên nhu cầu gửi con học bán trú rất lớn. Song, nhiều trường tiểu học chưa có điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức lớp học bán trú. Hiện, trên địa bàn huyện mới có 8/38 trường tổ chức bếp ăn bán trú cho khoảng 4.000 học sinh. Vì thế, hoạt động của các lớp ăn trưa là mô hình mới, trên cơ sở thỏa thuận dân sự giữa các cơ sở tư nhân với cha mẹ học sinh. Theo quy định, việc tổ chức bếp ăn bán trú dù trong trường hay ngoài trường đòi hỏi yêu cầu rất chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, đơn vị báo cáo UBND huyện để kịp thời quản lý hoạt động này, để giải quyết thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng của cha mẹ học sinh, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ.
Dù san sẻ bớt gánh nặng với các trường học và cha mẹ học sinh có chỗ gửi con buổi trưa, buổi chiều, nhưng các lớp ăn trưa tự phát rất khó để đánh giá, kiểm soát về chất lượng chăm sóc, quản lý trẻ. Do đó, UBND các xã, Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Thủy Nguyên cần kịp thời kiểm tra các mô hình lớp ăn trưa ngoài trường học. Đồng thời, UBND huyện Thủy Nguyên phối hợp Sở Giáo dục – Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý các lớp ăn trưa ngoài trường học, bảo đảm đúng quy định và an toàn.
Bài và ảnh: Mạnh Quang