Print Thứ năm, 30/01/2020 10:58 Gốc

Không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh, ai đến Hải Phòng cũng đều được nhận quà: Quà tinh thần cho tâm hồn thơ trẻ. Tuổi thơ chỉ có một lần, nhưng tuổi thơ hoàn toàn tái lặp khi người lớn, người già tin vào màu nhiệm, những điều đẹp đẽ, tin những niềm vui nhỏ bé là hạnh phúc vô giá, tin vào thông điệp – sự sống: Cổ tích có thật trong đời thực, là Tam Bạc thành dòng sông Thiên nga!

Sau nhiều tháng bận rộn với bộ phim 46 tập Hoa hồng trên ngực trái (VTV3), cuối tháng 12-2019, NSND Hoàng Cúc thổ lộ, Xuân 2020 này muốn du lịch Bắc Âu để thư giãn, ngắm thiên nga và những khung cảnh yên tĩnh như thiên đường, tôi liền nói ngay: “Không cần xa xôi thế đâu, cô hãy về Hải Phòng! Ở đó, có nhiều nghệ sĩ và công chúng nhớ cô. Tuyệt nhất là cô có thể ngắm thiên nga trắng châu Âu ngay trên sông Tam Bạc“.

Đàn thiên nga trên dòng sông Tam Bạc. Ảnh: Tiến Anh.

Hoàng Cúc là người có không ít kỷ niệm với Hải Phòng trong nghiệp diễn kịch, đóng phim. Nhiều người vẫn nhớ tới vai Tám Bính do Hoàng Cúc đóng trong phim Bỉ vỏ (đạo diễn Lương Đức thực hiện năm 1988), khắc họa nhân vật sống động, ấn tượng từ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Nguyên Hồng. Những địa danh, tên gọi đích thực của đất Cảng được nhà văn cần lao đất Cảng đưa vào văn học không hề đổi sửa, hư cấu, để văn chương – cuộc đời hòa quyện sống động và được nhớ mãi, tái hiện trong bộ phim. Được nhà văn viết từ tại ngõ Cấm (nay là phố Cấm), những bối cảnh chính, “vùng hoạt động” của các nhân vật trong Bỉ vỏ nằm bên bờ sông Tam Bạc. Dưới thời thực dân phong kiến ấy, ở đấy là trên bến dưới thuyền, phố khách (phố người Hoa) thương nhân buôn bán, xóm lều, những tay anh chị, phu phen, những đầu gấu thợ thuyền, gái làng chơi, trộm cắp, thảo dân bần cùng dưới đáy.

Nếu Hoàng Cúc về thăm Hải Phòng dịp xuân này, chắc nghệ sĩ không nhận ra được chốn xưa. Dự án cải tạo sông Tam Bạc trị giá hơn 1.400 tỷ đồng đã làm nên “cuộc lột xác” hoàn toàn. Đường to, sáng rực, sông trong xanh với bầy thiên nga nô đùa trên sóng. Cũng có người tiếc, đường nét, dáng vẻ cổ kính phố bờ sông Tam Bạc đã đi vào thơ ca, tranh, ảnh, tiềm thức nhiều thế hệ gần xa, nay phôi pha. Nhưng cuộc cách mạng hay sự đánh đổi nào cũng đều có giá của nó. Chỉ có điều, giá đắt nhưng chính đáng, xứng đáng thì sẽ chinh phục, thuyết phục được lòng người. Thiên nga đang trở thành biểu tượng mới về một Hải Phòng luôn kiêu hãnh, bên cạnh hình ảnh Hoa Phượng Đỏ luôn cháy bỏng những khát vọng lớn lao.

Đi giữa phố phường Hải Phòng vào mùa phượng nở, sắc đỏ của màu hoa lửa “cánh mỏng manh như máu ứa một thời trai trẻ” (thơ Thanh Tùng) khiến người ta liên tưởng sắc đỏ phù sa những dòng sông lớn nước ta, như mang máu tiền nhân trong dòng thủy lưu lịch sử. Ấn tượng với tiểu thuyết lịch sử “Ngô Vương” của nhà văn quân đội Phùng Văn Khai (tác giả 3 lần về Thủy Nguyên “nằm vùng” để hoàn thành tác phẩm), tôi lại có dịp về Hải Phòng, chủ đích muốn thăm nơi diễn ra ba trận thủy chiến lừng danh vào các năm 938, 981 và 1288, đã đi vào lịch sử quân sự thế giới.

Múa rồng dâng lễ trước tượng đài 3 vị Anh hùng dân tộc tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang. Ảnh: Vũ Dũng.

Trong dòng chảy Bạch Đằng Giang, có cả máu của lũ xâm lăng đã bỏ mạng khi gây chiến, coi thường nước Đại Việt bé nhỏ ở phương Nam. Đến quân đội đế chế Nguyên Mông của Thành Cát Tư Hãn từng “làm mưa, làm gió” khắp thế giới khi đó, nhưng đụng đến đất Việt là bại liểng xiểng tới ba lần. Trong đó, trận thua đau nhất diễn ra năm 1288 khi toàn bộ đạo thủy binh của chúng bị quân dân nhà Trần tiêu diệt tại vùng cửa sông Bạch Đằng. Trên chiến trường xưa ghi dấu bao chiến tích lẫy lừng ấy, nay tọa lạc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, tại Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Thật ngạc nhiên, khi toàn bộ khu di tích được xây dựng bởi ý tưởng và quyết tâm của ông Lê Văn Thành, Giám đốc Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây. Bằng nhiệt huyết và khát vọng tôn vinh các bậc anh hùng dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu cho hậu thế trong và ngoài nước, ông hội tụ được các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân bằng cuộc xã hội hóa “vô tiền khoáng hậu” tâm nguyện thực hiện hoài bão này. Khu di tích bề thế, hoành tráng mà hoàn toàn không dùng đến tiền ngân sách nhà nước.

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang gây trong tôi niềm phức cảm lạ thường. Được người anh đồng nghiệp – thi sĩ Đinh Thường (Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng), một người nhiệt huyết và am hiểu- làm hướng dẫn viên, tôi rất xúc động khi đứng trước ba bậc tiền nhân – 3 vị Anh hùng vĩ đại của dân tộc giữa không gian đầy nắng gió. Các ngài thực sự là những – Người – Khổng – Lồ không chỉ ở chiều kích tượng đồng, mà ở thiên tài quân sự, lòng yêu nước sắt son và công lao lẫm liệt khi lãnh đạo quân dân nước Việt đánh thắng kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Tôi choáng ngợp ngước những bức tượng anh hùng như các vị thần hộ mệnh cho dân: Ngô Quyền – Lê Đại Hành – Trần Hưng Đạo, bên cửa sông lộng gió, mây cuộn trên đầu soi sóng dâng sắc đỏ. Vùng cửa sông Bạch Đằng với bãi cọc (chế tác) như còn dư vang hình bóng quân Đại Việt kiêu dũng quật cường, những chiến thuyền địch nghiêng ngả bất lực chìm dần; không gian như vần vũ đâu đây tiếng reo hò thúc giục thừa thắng xông lên của quân ta, át tiếng la hét thất thanh, hốt hoảng gọi nhau tháo chạy của địch. Đặc biệt, tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, chùa – đền tâm linh không hề có hòm công đức, khách thập phương hay bất cứ ai đều được dùng cơm chay miễn phí. Trong khi lắm nơi coi việc đặt hòm công đức la liệt là nguồn thu chính; trong khi một số ít nơi coi việc xây chùa là “dự án”, “thương vụ” đầu tư, sự tôn nghiêm thành kính bị lợi dụng đánh tráo để thu tiền bất chính, buôn thần bán thánh, thì ở nơi đầu sóng ngọn gió này, gần 20 năm trước, vị Giám đốc Nhà máy Xi măng đã có tư duy khác biệt, cống hiến: kêu gọi xã hội hóa để xây dựng khu di tích – tâm linh tuyệt đối trong lành – vận hành không dùng tiền công đức. Đặc biệt, qua việc phát hiện bãi cọc cổ Cao Quỳ cũng tại Thủy Nguyên vừa mới đây, được giới khảo cổ, nghiên cứu lịch sử đánh giá là “làm thay đổi hẳn nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288” – chiến thắng mang tầm cỡ Di sản thế giới – càng làm tôi khâm phục “tầm nhìn xa” ấy nhằm trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc vào đời sống hiện đại thời hội nhập toàn cầu.

Vị giám đốc ấy giờ là lãnh đạo cao nhất của thành phố Hải Phòng. Một tối thứ bảy cuối Đông vừa qua, tôi có dịp được trò chuyện qua điện thoại với Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành. Thật bất ngờ, ở cương vị đầy trọng trách, đầy mối lo toan bận rộn từ phát triển kinh tế đến chăm lo đời sống người dân, rất hiếm thời gian rảnh rỗi mà ông lại dành cho tôi tới nửa tiếng quý báu. Đấy là tâm hồn yêu nghệ thuật trẻ trung hay bởi lòng chân thành, yêu Hải Phòng của tôi khiến ông cảm thấu. Ông nói một câu khiến tôi kính nể, nhớ ngay và coi đó là “cẩm nang” đối với các chính khách, lãnh đạo của Hải Phòng, quốc gia và thời đại: “Là người lãnh đạo, luôn chịu rất nhiều áp lực, nhưng sẽ làm được những việc lớn, việc khó khi đưa ra quyết sách và thực thi bằng tâm huyết“. Chính bởi tâm huyết và tâm hồn ấy, mà Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành không chỉ để lại dấu ấn đột phá cho diện mạo Hải Phòng với những công trình, dự án hạ tầng, kinh tế ngoạn mục, mà còn chú ý thúc đẩy nâng cao cả giá trị tinh thần – thượng tầng xã hội. Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Hải Phòng – Khát vọng vươn lên” với quy mô và trị giá giải thưởng lớn chưa từng có là minh chứng về sự trọng thị của thành phố Cảng đối với chất xám, tài năng, tình cảm của những người yêu Hải Phòng, sáng tác về Hải Phòng. Cũng là mong muốn, tâm huyết của Hải Phòng quyết “săn tìm” những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị vững bền, xứng với vị thế thành phố trung tâm vùng Đông Bắc thời hiện đại.

Cảnh bộn bề, rộn ràng thi công đường, cầu và các dự án phát triển từ nội đô ra ngoại thành khiến Hải Phòng như đại công trường chưa từng có trong lịch sử thành phố, tạo nên diện mạo mới mang tầm vóc vượt bậc, để những ai từng buông lời chê “Hải Phòng chậm phát triển” những năm trước nay phải rút lời, không kịp “chống đỡ” ngạc nhiên của chính mình vì Hải Phòng liên tiếp mới, từng tuần, từng tháng. “Thành phố của những cây cầu” cũng là một trong các danh hiệu của Hải Phòng, với vài chục cây cầu được xây dựng và khánh thành chỉ trong vòng 4-5 năm lại đây, trong đó có cầu vượt biển Đình Vũ – Cát Hải. Bớt một tuyến phà ra đảo Cát Hải, thêm một cảng nước sâu quốc tế đón tàu 132.000 tấn, thêm kiêu hãnh thành phố Cảng lâu đời.

Với các quốc gia đang phát triển, những khu dân cư bên sông, bên cầu, kênh rạch thường tập trung dân nghèo, người lao động. Hải Phòng thời trước cách mạng, trong văn chương, điện ảnh cũng vậy, khi là đô thị hội tụ người tứ xứ về đất Cảng, thợ thuyền lam lũ, thậm chí giang hồ, phức tạp. Thì hiện tại, đô thị biển tuyệt vời đã biết nhân lên sức mạnh cộng hưởng từ các con sông trong và quanh thành phố, mà nhiều điểm nhấn lộng lẫy thuộc địa bàn quận Hồng Bàng – “trái tim” đất Cảng. Việt Nam có nhiều thành phố, nhưng chỉ duy nhất Hải Phòng đặt tên quận trung tâm theo tên giai đoạn thượng cổ đầu tiên của nước Việt thuở hình thành. Nhớ Hải Phòng, tôi hay tìm ra, liên tưởng những nét tương đồng về đời sống, văn hóa, kiến trúc đô thị với Thủ đô. Như Hà Nội, Hải Phòng cũng phát triển về phía Tây. “Những tên địa dư gắt gỏng” như nhà thơ Thi Hoàng nhắc trong trường ca “Gọi nhau qua vách núi”: cầu Rào, sông Lấp, cửa Cấm, Cát Cụt… nay tràn trề sức sống mới. Hải Phòng không “rào”, “lấp”, “cấm”, “cụt” mà hào sảng, rộng vòng tay đón dự án, đối tác bạn khắp chốn, năm châu. Những địa danh cũ như Sở Dầu, nay có khu đô thị mới, “đóng đô” Trung tâm Chính trị – Hành chính quận Hồng Bàng. Quận có những cây cầu đẹp như Cầu Hoàng Văn Thụ mang hình cánh chim biển, bắc qua sông Cấm nối phường Minh Khai với xã Tân Dương (Thủy Nguyên); nút giao thông đa tầng Nam cầu Bính đang xây; đường Chương Dương đã cải tạo, mở rộng 2 đầu cầu Thượng Lý… Tôi ngỡ như đang ở châu Âu, khi ngồi ô tô ngang qua khu đô thị phức hợp hiện đại, diễm lệ Vinhomes Imperia đẹp nhất thành phố, trên nền Nhà máy Xi măng cũ ngày nào. Sau gần 3 năm giải phóng mặt bằng và thi công, khu đô thị đã đi vào sử dụng – một tốc độ ngoạn mục đến ngỡ ngàng. Phép màu ấy không từ bà Tiên, ông Bụt, vị Thánh nào, mà từ tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố. Tập đoàn Vingroup xây đô thị hiện đại ở Hồng Bàng và chọn đất Hải Phòng đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast, thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam góp mặt tại triển lãm ô tô thế giới ở Paris – Kinh đô Ánh sáng.

Chỉ hơi tiếc, đô thị Hải Phòng hiện còn rất ít nhà cổ. Không vì hoài cổ, nhưng phải cố giữ công trình kiến trúc trăm năm có giá trị thời gian, hãy gắng tu sửa nguyên trạng, bảo tồn những gì đã tạo nên vẻ đẹp thị giác sâu sắc qua dấu ấn trầm tích văn hóa. Bởi những công trình ấy là một phần album ảnh khổng lồ của thành phố này, đất nước này. Mỗi lần có dịp về Hải Phòng, gia đình nhỏ của tôi thường ở khách sạn Maxim, kế bên doanh trại hải quân, thường nghe thấy tiếng kèn hiệu lệnh sáng, chiều, tối. Các con tôi hay được mẹ chở dọc phố Lý Tự Trọng rẽ sang đường Điện Biên Phủ để chào các chiến sĩ hải quân đứng gác cạnh cổng doanh trại. Nhìn những bức tường in biểu tượng mỏ neo, lại nghĩ đến những Hải Phòng giờ đây có thể đón tàu lớn vài chục vạn tấn vào cảng quốc tế nước sâu Lạch Huyện. Hải Phòng, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1… vẫn giữ vị trí đầu sóng ngọn gió, gánh vác sứ mệnh bảo vệ biển đảo Việt Nam. Sức mạnh Hải Phòng ngày nay mạnh mẽ, đột khởi và dám nhận kỳ vọng, sứ mệnh là động lực phát triển của cả vùng, cả nước.

Hải Phòng thân quen mà luôn đem cảm hứng mới cho tôi, cho bất cứ ai quan tâm đến nơi này. Hải Phòng bốn mùa đều đem đến niềm vui, hứng khởi cho các nghệ sĩ. Tôi cho các con học tại trường mầm non song ngữ Sunrise số 6 phố Minh Khai – Hải Phòng, cũng là cách kiến tạo kiến thức, vốn sống và muốn cho hai cháu được hưởng không khí thanh bình, lộng gió, năng lượng của những con người nơi thành phố mang sức bật thanh xuân. Đô thị Hải Phòng được chính quyền Pháp lập năm 1888 cùng với Hà Nội, nhưng đất Hải Phòng đã có hai ngàn năm tuổi từ thuở Nữ tướng Lê Chân mở đất, lập ấp mà nên. Đọc tùy bút Đào Trọng Khánh tả sông Tam Bạc, Dư Hàng Kênh 50 – 60 năm trước, sình lầy, vắng về chiều tối buồn đơn độc, mới thấy cuộc đổi thay kỳ diệu của đoạn sông Tam Bạc bên phố cũ. Cầu vượt sông Tam Bạc nối đường Trần Nguyên Hãn với đường Chương Dương với đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh phía hữu ngạn sông. Từ cầu Tam Bạc có đến Bà Trấn Giang ra phía cầu Hạ Lý, là điểm hẹn của người dân Hải Phòng và du khách, với lý do hấp dẫn, độc đáo: ngắm thiên nga! Đoạn sông dài 1,3km, rộng ngang 61-63m này là dòng sông ánh sáng, mỗi bờ 450 bóng đèn chiếu sáng từ 18 giờ 30 đến 12 giờ hằng đêm, tỏa sáng an toàn trong mưa bão, với 5 chương trình chuyển màu. Đàn thiên nga trắng từ 20 đôi chim nhập về từ Hà Lan, thả xuống sông Tam Bạc tháng 5- 2019, nay thành 45 đôi, làm lãng mạn hóa không khí cả khu vực rộng lớn, nảy sinh và gợi nhiều xúc cảm. Sông được làm sạch, chỉnh trang, giải phóng mặt bằng để mở rộng không gian, tầm nhìn, mướt màu xanh bên công viên cây xanh từ bến xe cũ đến chân cầu đường bộ Tam Bạc.

Một chiến lược kiến tạo đầy nhân văn, dài hơi, không chỉ là cho dân sinh tại chỗ, mà còn là diện mạo, ấn tượng mới của thành phố. Với những người yêu nghệ thuật, đàn thiên nga trên dòng sông ánh sáng Tam Bạc gợi cảm hứng sống và sáng tạo. Tưởng tượng mơ hồ: Nếu tác giả Bầy chim Thiên nga- văn hào Đan Mạch H. Andersen (1805 – 1875)- sống lại, biết tin này, có thể lắm, ông sẽ thực hiện một cuộc du lịch Việt Nam, về với Hải Phòng! Hải Phòng táo bạo, tiên phong tư duy nhạy bén kịp thời cuộc, thời cách mạng công nghệ 4.0, quốc gia số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh thành xu thế, lại một lần nữa cho thấy sự đa dạng của tính cách, tâm hồn quyến rũ của con người nơi đây. Bộ óc của lãnh đạo Hải Phòng không chỉ chú tâm những dự án kinh tế, mà còn làm đẹp, giàu, nuôi dưỡng cảm xúc cho thị dân của mình và khách đến.

Ơi Hải Phòng, tôi hằng trở lại hằng ngày trong ý nghĩ. Tôi sẽ trở lại Xuân 2020, đi bộ trên phố mang tên thi nhân Thế Lữ bên dòng sông Thiên nga trắng êm đềm, dập dìu bơi nhởn nhơ đùa thân thiện với mọi người như đã quen nhau lâu lắm. Quả là đất lành! Điểm hẹn ấy, thành nguyên cớ, nơi hấp dẫn trẻ con được chơi đùa thích thú, người lớn được thư thả tản bộ, làm mới lại tinh thần. Các con tôi say sưa cưỡi tượng ngựa, voi phía tả ngạn sông Tam Bạc, cười vang khi ngắm thiên nga. Hải Phòng ngày càng đẹp, đáng yêu, làm sao ngắm hết!…

Hải Phòng là thành phố đầu tiên và duy nhất Việt Nam hiện nay thả thiên nga trên sông, giúp cho trẻ em được sống thật, không chỉ nhìn qua phim, ảnh, hoạt hình; còn người lớn thì nhiều vị chưa từng đến châu Âu, tận mắt ngắm thiên nga, giờ đây được du lịch tại chỗ, được tự nhắc thầm khái niệm “sống chậm” khi bách bộ ngắm loài chim được ngợi ca trong âm nhạc cổ điển, phim và văn chương kinh điển. Trăm năm nay, Hoàng gia Anh bảo trợ đội quân nuôi, chăm sóc, đếm thiên nga (đeo chíp, đánh số) trên sông Thames. Hải Phòng cũng yêu mến, bảo vệ thiên nga như thế. Những người Hải Phòng dám nghĩ, dám làm, dám xốc tới, từ lãnh đạo tới nhân dân.

Những người yêu, tin Hải Phòng không ngừng muốn đóng góp mọi nguồn lực cho thành phố Hải Phòng. Hải Phòng nâng mình lên không chỉ qua số chuyến bay quốc tế, cất – hạ cánh xuống sân bay Cát Bi, qua những cây cầu kỷ lục, qua những con tàu biển khổng lồ đi/đến, mà chính Hải Phòng là con tàu khổng lồ mang khát vọng vô cùng đang lừng lững tiến ra biển lớn.

Hải Phòng, điểm đến thêm lãng mạn khi có thiên nga- loài chim trời có thể bay cao, xa hàng ngàn cây số. Tôi, nhân danh người con Hải Phòng, xin dâng tặng Đất Mẹ, tiếng Mẹ đẻ thiêng liêng một danh hiệu mới bên cạnh những danh hiệu quen, cũ (Thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng Đỏ), đó là “Hải Phòng – Thành phố Thiên nga” (Haiphong – The City of Swans)- không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ, mà còn can trường không sợ bão gió, nắng mưa, vượt qua thách thức./.

Hải Phòng – Hà Nội cuối năm Kỷ Hợi

Bút ký của Vi Thùy Linh/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xuân về thành phố thiên nga
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác