Xuân Quê hương 2020: Kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước

Bà con kiều bào xúc động xen lẫn niềm tự hào, phấn khởi trước những thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của đất nước trong thời gian vừa qua.

Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đông đảo kiều bào trên khắp thế giới về quê hương đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình và tham dự chương trình Xuân Quê hương.

Trong không khí ấm áp, chân thành, bà con kiều bào xúc động xen lẫn niềm tự hào, phấn khởi trước những thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của đất nước trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, kiều bào cũng chia sẻ những dự định bản thân góp phần xây dựng quê hương đất nước, khẳng định chính sách nhất quán và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay.

Thắm đượm tình yêu Tổ quốc

Trở lại quê hương đúng dịp Tết Nguyên đán 2020, ông Nguyễn Bằng Lâm, Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, không giấu nổi những cảm xúc, bồi hồi. Trong ký ức của ông Lâm, mỗi lần nghe bố mẹ, người thân kể về Tết, ông rất háo hức chờ đợi.

Bước sang độ tuổi xưa nay hiếm, song mỗi khi Tết đến Xuân về ông vẫn đau đáu nỗi nhớ quê hương, cố gắng thu xếp công việc về quê ăn Tết. Với ông, Tết là ngày lễ truyền thống thiêng liêng của dân tộc, là dịp gắn kết, sum họp gia đình, động viên nhau sống tốt hơn, cùng nhau phát triển.

“Tiếng cười nói của con trẻ, tiếng hỏi han, tâm sự của người lớn, kể chuyện cho nhau nghe về một năm đã qua, cùng quây quần bên mâm cơm. Không khí Tết của Việt Nam rất đầm ấm, không phải nơi nào trên thế giới cũng có được. Chúng tôi ở xa quê hương, có thể tách chúng tôi ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách tâm hồn ra khỏi Tổ quốc, nhất là đối với người dân Việt Nam – những con người có truyền thống yêu nước, yêu Tổ quốc, hướng về tổ tiên, cha ông và Tổ quốc thân yêu,” ông Lâm xúc động chia sẻ.

Đánh giá về phong trào dạy tiếng Việt tại Thái Lan, ông Nguyễn Bằng Lâm chia sẻ, việc dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Thái Lan nói riêng, các nước khác trên thế giới nói chung, rất quan trọng.

Qua đó, các cháu hiểu được tổ tiên, đất nước của mình, hiểu về âm thanh, ngữ nghĩa gửi gắm trong “tiếng mẹ đẻ”; nhắc nhở các cháu về nguồn cuội, gốc rễ để bồi dưỡng tâm hồn mỗi người về tình yêu quê hương, đất nước dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu.

Chung cảm xúc với ông Lâm, bà Hoàng Thị Kim Cúc, Việt kiều Thái Lan, vui mừng, hào hứng trước thành tích nổi bật trong các hoạt động thể thao những năm qua. Bà Cúc cho biết: “Không có cảm xúc nào mãnh liệt hơn khi được nhìn thấy lá cờ Việt Nam hiên ngang tại các giải đấu trong khu vực và thế giới, đặc biệt với môn bóng đá. Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam có bước ngoặt xuất sắc khiến không chỉ giới trẻ mà ngay cả người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ… ai cũng đam mê, theo dõi và cổ vũ.”

Với việc năm 2020 Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Kim Cúc mong muốn Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế, góp phần thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực; phát triển kinh tế bền vững, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Mong muốn xây dựng quê hương giàu mạnh

Bên cạnh những tâm tư, tình cảm của kiều bào với tình yêu quê hương, đất nước, bà con kiều bào chia sẻ về mong muốn xây dựng Việt Nam thêm giàu mạnh, sánh bước cùng các cường quốc năm châu.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch hệ thống bán lẻ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam cho biết, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều có mong muốn cống hiến cho đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thời gian qua, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện cho bà con đóng góp công sức xây dựng quê hương.

“Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, là thời điểm thích hợp, thuận lợi để chúng ta chào đón, kết nối những doanh nghiệp, bà con kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh,” bà Nguyễn Thanh Hương nhận định.

Theo bà Hương, vị thể và tiềm năng của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới được nâng cao và củng cố vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam đã chủ động bắt nhịp, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để đón dòng vốn đầu tư của các nước trên thế giới theo lộ trình phù hợp.

Là người có kinh nghiệm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hơn 12 năm, Chủ tịch hệ thống bán lẻ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam mong muốn, Việt Nam tiếp tục phát triển những chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư là kiều bào Việt Nam với các địa phương trên cả nước; đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các nước trên thế giới; lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm phát triển kinh tế trên các lĩnh vực bền vững.

“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý yếu tố ‘4.0+1,’ tức phải lưu ý đến yếu tố văn hoá bản địa, tập trung phát triển nhiều sản phẩm ‘sản xuất tại Việt Nam’; phát triển ‘kinh tế xanh’ trên các lĩnh vực thế mạnh của đất nước như nông nghiệp, du lịch, thương mại-dịch vụ…,” bà Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hoạt động thả cá phóng sinh tại Đền Đô (Bắc Ninh). (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Kiều bào phấn khởi trước sự phát triển của đất nước

Nhân dịp này, phóng viên đã gặp gỡ một số kiều bào khi bà con về dâng hương, tưởng nhớ các vị vua triều Lý tại Đền Đô, thị xã Từ Sơn và dự gặp mặt tại tỉnh Bắc Ninh.

Cô Nguyễn Thị Phương, quê tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã có nhiều năm sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, mặc dù xa quê hương nhưng lúc nào cô cũng hướng về cội nguồn dân tộc.

Thời gian qua, cô thường xuyên về Việt Nam nhưng năm nay tham gia chương trình “Xuân Quê hương” cô thấy hoạt động rất ý nghĩa, góp phần tạo sự gắn kết kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.

Cô mong muốn Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho những người xa quê, góp phần tạo động lực cho các kiều bào tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc.

Còn anh Nguyễn Ngọc Hoàn, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ, tham dự Chương trình “Xuân Quê hương 2020” anh cùng đoàn làm lễ dâng hương tại Đền Đô và thực hiện nghi thức thả cá phóng sinh.

Đây là hoạt động mang ý nghĩa truyền thống chỉ có ở Việt Nam. Qua đây, một lần nữa anh được sống lại những ký ức về những năm tháng tuổi thơ.

Sau khi tham quan tại di tích Đền Đô, anh hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của triều Lý cũng như những đóng góp to lớn của triều đại này trong tiến trình phát triển dân tộc. Qua đó, anh càng thêm tự hào về quê hương, đất nước.

Bên cạnh những hoạt động hướng về quê hương, “Xuân Quê hương 2020” còn là cơ hội giúp đông đảo kiều bào có cơ hội tìm hiểu về cơ hội đầu tư hợp tác trong nước.

Ông Nguyễn Huy Anh, quê tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh – kiều bào tại Cộng hòa Séc đã có hơn 30 năm làm việc xa quê hương nhưng mỗi năm đến dịp Tết cổ truyền ông thường về Việt Nam vui Tết.

Khi về nước, ông vui mừng khi thấy các công trình hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị phát triển vượt bậc, đời sống người dân cải thiện, nâng cao. Truyền thống trọng tình, hiếu khách của người dân quê hương vẫn không thay đổi.

Lần này, bên cạnh về thăm quê hương, gia đình, ông mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bắc Ninh, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Ông Nguyễn Huy Anh chia sẻ, không chỉ mong muốn phát triển kinh tế, những người Bắc Ninh nói riêng và những người Việt Nam nói chung tại Cộng hòa Séc còn là tuyên truyền viên tích cực quảng bá về truyền thống văn hóa Việt Nam.

Ông và những người yêu quan họ đã thành lập các câu lạc bộ quan họ, từ đó thường xuyên tham gia luyện tập, biểu diễn góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ đại diện của nhân loại tại Cộng hòa Séc.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàn, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc tại Hàn Quốc được hơn 10 năm. Sau khi trở về nước, anh thấy đất nước có nhiều sự đổi thay, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Qua đó, anh càng thấy thêm tự hào về người Việt Nam.

Theo anh Hoàn, hiện nay Việt Nam và Hàn Quốc đang đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại với kim ngạch song phương hướng tới con số 100 tỷ USD năm 2020.

Anh đang có một doanh nghiệp tại Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đào tạo nghề, anh mong muốn doanh nghiệp của mình sẽ góp phần đưa mục tiêu hợp tác giữa hai nước thành hiện thực.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân tại Pháp bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh thời gian qua.

Ông mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, để từ đó kiều bào đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu đầu tư, đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More