Nhiều chế tài mới về xử phạt hành chính trong hoạt động kinh doanh được quy định tại 2 Nghị định mới của Chính phủ.
Cụ thể, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 15/10/2020), mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đặc biệt, Nghị định 98 đã dành tới 4 điều (từ điều 62 đến điều 66) để quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Đó là các hành vi vi phạm về về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động); hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Theo đó, Nghị định 98 sẽ thay thế các nghị định: Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Với Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí gas (có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020), mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung được đưa ra bao gồm cả việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Nghị định số 99 thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP (25/5/2017) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định 99 cũng phân định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Quản lý thị trường và Thanh tra trong việc đưa ra quyết định xử phạt.
Hai nghị định quan trọng nói trên đều mang tinh thần tổng kết thực tiễn cao, kịp thời “lấp chỗ trống” của các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hướng tới làm lành mạnh thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quỳnh Anh