Print Thứ Ba, 02/04/2019 15:22

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 174/2017 của UBND về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tại các địa phương, sau 1 đợt làm điểm đến nay chưa giải tỏa được trường hợp vi phạm nào. Nguyên nhân do các địa phương chưa thực sự bắt tay vào tổ chức thực hiện, có tâm lý nghe ngóng, trông chờ. Trong khi đó, vi phạm mới tiếp tục gia tăng.

Đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực chân cầu Khuể (địa phận thị trấn Tiên Lãng) vi phạm hành lang an toàn đê. Ảnh: Minh Trí

Phát sinh mới gần 100 trường hợp vi phạm

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố, từ ngày đầu làm điểm thực hiện giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều theo Kế hoạch 174 của UBND thành phố (từ năm 2017) đến nay đã hơn 1 năm triển khai, chưa có địa phương nào xử lý, giải tỏa thêm được trường hợp vi phạm nào. Ngược lại, năm 2018 và 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố còn phát sinh thêm gần 100 trường hợp vi phạm mới.

Tại khu vực chân cầu Trạm Bạc, xã Lê Lợi (huyện An Dương)-một trong những điểm nóng vi phạm về đê điều của thành phố, hiện hoạt động kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng diễn ra tấp nập. UBND xã Lê Lợi chưa tổ chức giải tỏa được trường hợp vi phạm nào, mà còn phát sinh thêm 2 trường hợp vi phạm mới là hộ bà Nguyễn Thị Hữu và hộ ông Nguyễn Văn Thiệu. Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Văn Phúc thừa nhận việc xử lý các trường hợp vi phạm về đê điều trên địa bàn xã thời gian qua chưa được quan tâm. Tương tự tại khu vực chân cầu Quý Cao, cầu Đăng, cầu Hàn (huyện Vĩnh Bảo), cầu Khuể, cầu sông Mới (huyện Tiên Lãng) các trường hợp vi phạm đê điều vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng Lâm Hồng Khánh cho biết, việc xử lý các trường hợp vi phạm về đê điều thời gian qua của huyện đến nay chưa có chuyển động gì. Theo kế hoạch, huyện Tiên Lãng sẽ giải tỏa 1 điểm vi phạm tại khu vực Km17+018 đê hữu Văn Úc, xã Toàn Thắng, nhưng huyện chưa giải tỏa được. Không những thế, tại một số khu vực như chân cầu Khuể còn phát sinh thêm một số vụ vi phạm đê điều mới.

Tại các quận, huyện khác cũng vậy. Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều Vĩnh Bảo Đỗ Trung Khánh cho biết, địa phương cũng chưa xử lý được điểm công trình, bến bãi vi phạm tại khu vực Km 51+100 đê hữu sông Luộc, khu vực thượng lưu và hạ lưu cầu Quý Cao, xã Giang Biên.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Văn Khanh, đến nay huyện chưa tổ chức giải tỏa các điểm vi phạm là do địa phương đang chờ thành phố phê duyệt quy hoạch điểm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương Nguyễn Trường Sơn cho biết thời gian tới, huyện tập trung cao chỉ đạo các xã vào cuộc giải tỏa các trường hợp vi phạm về đê điều trong năm 2019 theo Kế hoạch của UBND thành phố.

Theo ông Dương Văn Gắng, chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố, đến nay các quận, huyện mới chỉ dừng lại việc ban hành kế hoạch, chưa thực sự bắt tay vào tổ chức thực hiện và không thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ. Có nhiều vụ việc UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng các địa phương cũng chưa thực hiện. Đơn cử như một số trường hợp vi phạm đê điều ở các quận Dương Kinh, Hải An, Lê Chân và huyện An Lão…

Cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, các sở, ngành

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai thành phố cho biết, tổng số vụ vi phạm về đê điều toàn thành phố đến thời điểm này là 2.259 trường hợp. Trong đó, đợt đầu năm 2017 giải tỏa 15 khu vực ở 12 quận, huyện là hơn 500 trường hợp vi phạm.

Theo Kế hoạch 174 của UBND thành phố, các quận, huyện có công trình vi phạm phải kiên quyết giải tỏa các trường hợp vi phạm về đê điều. Trong đó, thực hiện tốt Quyết định số 33 ngày 20-11-2018 của UBND thành phố về Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính về đê điều. Trên cở sở đó, các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết kiểm tra, xử lý và giải tỏa vi phạm theo lĩnh vực quản lý của ngành và địa bàn quản lý của địa phương. Các sở NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công an thành phố chủ động kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo thẩm quyền. Với trường hợp vượt quá thẩm quyền chuyển hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với UBND huyện, quận theo dõi, giám sát, xử lý dứt điểm từng hành vi vi phạm của các chủ vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND thành phố thu hồi đất trong phạm vi bảo vệ đê điều được giao cho tổ chức, cá nhân để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ kiên cố hóa đê điều. Sở Giao thông Vận tải sớm xây dựng quy hoạch cảng, bến thủy nội địa phương theo chỉ đạo của UBND thành phố…Trong khi thực hiện, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt phương châm “Kiểm tra thường xuyên, kiến nghị nhiều lần, đôn đốc liên tục, xử lý dứt điểm”, tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, kế hoạch ban hành ra không thực hiện được.

Ông Nguyễn Bá Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố cho biết, thời gian tới, chi cục tiếp tục rà soát, đôn đốc các quận, huyện thực hiện nghiêm các nội dung, lộ trình trong Kế hoạch 174 đề ra, và Quyết định số 33 của UBND thành phố. Những địa phương không tích cực vào cuộc xử lý vi phạm, chi cục lập danh sách, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tiến Đạt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố: “Trên nóng, dưới lạnh”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác