Đô thị

Xử lý vi phạm liên quan đến xe công-ten-nơ: Chặt chẽ, dứt điểm từ doanh nghiệp

Vụ tai nạn chiều 6-2, tại vòng xuyến cầu Bạch Đằng giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là vụ tai nạn thứ 8 liên quan đến xe côngten-nơ tại Hải Phòng kể từ đầu năm 2020 đến nay. Trong đó, chỉ riêng ngày 20-1 (ngày 26 tháng Chạp Kỷ Hợi), liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn đối với loại xe này, khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Đáng chú ý, năm 2019, cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đối với xe công-ten-nơ đều tăng và là loại xe kinh doanh vận tải vi phạm trật tự an toàn giao thông nhiều nhất.

Xe “công” chiếm hơn 80% số xe kinh doanh vận tải vi phạm

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, tình trạng xe công-ten-nơ vi phạm về trật tự ATGT trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Lý do, nhiều lái xe phải làm việc trong thời gian dài, buồn ngủ, khó kiểm soát tay lái, khiến xe mất lái. Một số lái xe thiếu ý thức, cố tình đi vào làn đường dành cho xe máy trên các tuyến đường, khiến người tham gia giao thông bằng xe máy hoảng sợ, thậm chí có trường hợp xe lấn làn, khi lách ra để đi theo đèn tín hiệu va chạm với xe bên cạnh.

Các doanh nghiệp vận tải cần quản lý chặt đội ngũ lái xe, phối hợp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, trong năm 2019, số lượng xe công-ten-nơ vi phạm về thời gian lái xe và chạy quá tốc độ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT phát hiện thông qua hệ thống giám sát hành trình chiếm khoảng 80% so với các loại xe kinh doanh vận tải khác. Trung bình mỗi tháng có từ 80- 120 lượt xe công-ten-nơ vi phạm về các quy định này. Trong đó rất nhiều xe bị tước phù hiệu, không cho tham gia kinh doanh vận tải trong thời gian 1 tháng. Kèm với thông báo cảnh cáo gửi đến các doanh nghiệp (DN) có xe vi phạm, Sở GTVT yêu cầu DN kiểm điểm lái xe vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chỉ giảm ở các DN xe taxi, xe khách, còn đối với xe công-ten-nơ không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong tháng 10-2019, Sở GTVT cảnh cáo 98 phương tiện vi phạm về thời gian lái xe (vượt quá 10% số ngày trong tháng) trong đó có 91 xe công-tennơ; tới tháng 11-2019, trong số 133 xe bị cảnh cáo có tới 111 xe công-ten-nơ. Trong tháng 11-2019, Sở GTVT buộc phải thu hồi phù hiệu của 48 xe vì vi phạm rất nghiêm trọng về tốc độ và thời gian lái xe…

Nhiều địa phương cũng gánh chịu hậu quả về tai nạn do xe công-ten-nơ Hải Phòng gây ra như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng… Tình trạng xe công-ten-nơ bị lật ngang đường, thậm chí rơi xuống vực, xuống khe núi, thiệt hại nặng về người và tài sản là nỗi ám ảnh trên nhiều cung đường đèo dốc. Có những trường hợp xe công-ten-nơ phá dải phân cách đấu đầu nhau giữa lúc giao thông đông đúc trên quốc lộ 5, quốc lộ 10, gây thiệt hại nặng nề.

Tổng hợp của Ban ATGT cho thấy, năm 2019, xe công-ten-nơ gây ra 29 vụ tai nạn, khiến 24 người tử vong, 6 người bị thương. So với năm 2018, số vụ tăng 20,83%; số người chết tăng 9,09%, số người bị thương tăng 100%. Từ ngày 1- 1-2020 đến nay, số vụ xe công-ten-nơ tai nạn lên đến 5 vụ, làm chết 2 người.

Cần quản lý chặt từ doanh nghiệp

Theo Sở GTVT, để xảy ra tình trạng xe công-tennơ vi phạm trật tự an toàn giao thông có trách nhiệm rất lớn từ DN quản lý, sử dụng xe. Trong nhiều năm qua, lần nào gửi thông báo cảnh cáo hoặc thu hồi phù hiệu, Sở GTVT đều yêu cầu DN phải tổ chức kiểm điểm bộ phận theo dõi an toàn giao thông, kiểm điểm lái xe, nhưng còn khá nhiều DN chưa thực hiện. Bằng chứng là tỷ lệ xe vi phạm tốc độ và thời gian lái xe không giảm, trong đó tỷ lệ xe vi phạm từ 2 lần trở lên còn cao. Theo “phân trần” của các DN, hiện nay, Hải Phòng đang thiếu lái xe hạng FC, nếu không đãi ngộ tốt, lái xe dễ bỏ đi. Vì vậy, không ít DN “buông lỏng” lái xe. Nhiều lái xe tham việc, sẵn sàng chạy ngày, chạy đêm, chen lấn để đi nhanh hơn, nhằm “quay vòng” chuyến hàng sớm hơn, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. Thậm chí, có một số lái xe phá barie trốn phí sử dụng đường bộ nhằm chiếm đoạt tiền phí. Năm 2019, nhiều DN bất ngờ khi được cơ quan chức năng thông báo về việc xe cố tình phá barie trốn phí, cho dù chủ xe đã thanh toán theo từng chuyến đi…

Để giảm tình trạng tai nạn giao thông do xe côngten-nơ phải xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tại các DN, yêu cầu DN phải theo dõi chặt chẽ quá trình xe hoạt động qua hệ thống giám sát hành trình, nhanh chóng cảnh báo nếu xe chạy quá tốc độ, cảnh báo về lái xe vi phạm thời gian (quá 4 giờ lái xe liên tục/lần và lái xe quá 10 giờ/ngày). Trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, nếu DN có nhiều xe vi phạm và tái phạm, có thể cảnh cáo bằng hình thức rút giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, các DN cần có sự liên kết, ràng buộc với lái xe. Đồng thời, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng làm “trọng tài”, đưa ra biện pháp chấm dứt tình trạng lái xe vi phạm ở DN này, lại “chạy” sang DN khác.

Bài: Đức Phong – Ảnh: Phan Tuấn/Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Bộ đội biên phòng Hải Phòng cứu hộ 1 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ

Sáng 18/12, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hải…

18/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More