Kinh tế

Xử lý, thu hồi đất những dự án “đắp chiếu” nhiều năm: Xem xét cơ chế nghiêm khắc hơn

Năm 2019, Sở Tài nguyên-Môi trường được UBND thành phố giao chủ trì cùng các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định những doanh nghiệp (DN), tổ chức chậm triển khai dự án, vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Đây không phải lần đầu thành phố chỉ đạo việc rà soát, kiểm và và xử lý DN vi phạm. Song vấn đề người dân quan tâm là thành phố sẽ có biện pháp xử lý như thế nào đối với DN sai phạm, nhất là những dự án “đắp chiếu” nhiều năm.

Khu đất số 6, phố Hoàng Diệu của Công ty CP Kho vận ngoại thương, được đưa vào danh mục rà soát, xác định vi phạm để xem xét thu hồi năm 2018. Ảnh: Duy Lê

Xử lý doanh nghiệp vi phạm kéo dài còn “nhẹ tay”

Năm 2016, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 06 về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng đối với các dự án, những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng. Theo đó, xác lập danh sách 40 dự án cần thu hồi đất. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, mới 10 dự án là có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, cũng chỉ có 1 dự án đang làm thủ tục thu hồi đất, còn lại 9 dự án được gia hạn sử dụng đất. Tiếp đó, năm 2018, Sở Tài nguyên-Môi trường xác định thêm 247 DN sử dụng đất có dấu hiện vi phạm Luật Đất đai. Nhưng hiện chỉ xem xét thu hồi 1 trường hợp với diện tích 0,43 ha, do hết thời hạn thuê.

Việc chỉ có rất ít DN vi phạm quy định pháp luật về đất đai bị xử lý thu hồi lại đất đã được giao, thuê có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do quy định pháp luật còn tạo kẽ hở để DN “né tránh” việc bị thu hồi lại đất. Nghị định 01/2017 của Chính phủ quy định kể từ ngày bị thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, DN có 2 năm để đưa dự án vào thưc hiện. Sau 2 năm kiểm tra lại, nếu DN tiếp tục vi phạm mới thu hồi đất. Quy định này nếu áp dụng đối với những DN, dự án “đắp chiếu” rất nhiều năm chưa thực sự phù hợp.

Như dự án xây dựng cơ sở đào tạo nghề và dịch vụ vận tải (giai đoạn 1) của Công ty CP đào tạo nghề và dịch vụ Hải Phòng ở phường Nam Sơn (quận Kiến An) quy mô 5 ha. Từ năm 2009, UBND thành phố có thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án này. Nhưng đến năm 2018, dự án vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Song, theo Nghị định 01, nếu DN không thực hiện dự án phải đến 2020 cơ quan chức năng mới có thể thu hồi, chấm dứt thực hiện dự án.

Vì những vướng mắc trên, có DN sau hơn chục năm được giao đất vẫn không thực hiện dự án, gây lãng phí đất đai và mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác. Ngoài các DN vi phạm bị phát hiện mới đây, chỉ trong 2 tháng năm 2019, Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra xác định được 13 DN được giao đất, cho thuê đất nhưng có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất như: nợ đọng thuế sử đụng đất nhiều năm, để đất đai hoang hóa, cho thuê lại, tự ý chuyển đổi mục đích.

Phân loại, rà soát thường xuyên

Thực tế trên đặt ra yêu cầu về công tác quản lý đối với các địa phương, các ngành chức năng, phải thường xuyên và liên tục tiến hành rà soát, xử lý và thu hồi đất các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm quyền lợi cho DN và nhà đầu tư. Đặc biệt, thành phố có giải pháp xử lý đối với những DN “đắp chiếu” đất dự án qua nhiều năm, tránh tình trạng DN lách luật, né tránh việc thu hồi đất như thời gian qua. Bên cạnh việc đề xuất Bộ Tài nguyên-Môi trường cơ chế, hướng xử lý phù hợp hiệu quả hơn, về lâu dài, thành phố có thể xem xét, áp dụng giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, thực hiện Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ về ký quỹ đối với các nhà đầu tư khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: mức ký quỹ là 3% với phần vốn đến 300 tỷ đồng; 2% với phần vốn hơn 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng; 1% với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng.Khoản ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án được hoàn trả cho nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả. Việc có một khoản vốn đầu tư được dùng để ký quỹ thúc đẩy việc thực hiện dự án nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng dự án “xí đất” rồi để đấy, gây lãng phí như hiện nay.

Nguyên Mai

http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=17194&cat=25

 

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More