Print Thứ Sáu, 15/03/2019 16:29

Trong khi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, không ít người kinh doanh online sử dụng thông tin liên quan tới dịch bệnh này viết bài thiếu kiểm chứng, sai sự thực đăng trên trang cá nhân để tăng tương tác bán hàng. Việc làm này này khiến cộng đồng hoang mang, làm gia tăng tâm lý e ngại thịt lợn và các sản phẩm liên quan, tác động xấu đến sản xuất, lưu thông mặt hàng này.

 Thông tin thất thiệt về dịch tả lợi châu Phi lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận.

Sáng 8-3, trên trang face- book Oanh Thương Mocha HP đăng bài “Cảnh báo gấp kêu gọi dịch đang tăng nhanh trên diện rộng. Các mẹ đi chợ không mua thịt lợn nữa. Hiện đã có 2 người mắc liên cầu lợn”. Bài viết nhận được gần 40 lượt chia sẻ cùng nhiều bình luận thể hiện sự lo lắng về sự an toàn của các sản phẩm thịt lợn đang bán trên thị trường. Điều đáng nói, dịch bệnh mà người viết nhắc tới là dịch tả lợn châu Phi, không có liên quan gì tới bệnh liên cầu lợn. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, nhiều người ngay lập tức chia sẻ bài viết mà không cần kiểm chứng.

Những thông tin kiểu như trên khiến tâm lý e ngại sử dụng thịt lợn và các sản phẩm liên quan ngày càng lan rộng. Chị Vũ Hà My, ở phố Hàng Kênh (quận Lê Chân) cho biết: “Chị bán hàng cả ngày, không có thời gian đọc báo, nghe đài hay xem truyền hình. Việc cập nhật thông tin hằng ngày chủ yếu từ chiếc điện thoại thông minh để lướt facebook. Khi đọc những bài viết về dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội, chị rất sợ. Cả tháng nay chị không dám mua thịt lợn về ăn”.

Trước đó, ngày 2-3, trên trang Facebook Đầm bầu thời trang Mami đăng tải thông tin nhiều người mổ lợn bị dịch kể trên bán tràn lan ở chợ. Kèm theo đó là hình ảnh miếng thịt lợn bị lốm đốm trắng cùng lời kêu gọi tẩy chay thịt lợn một thời gian chờ hết dịch. Bài viết này được rất nhiều người chia sẻ, trong đó có cả những người dùng facebook hiện sống tại Hải Phòng. Ngay sau khi đăng tải, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khẳng định những thông tin trong bài viết này không chính xác. Hình ảnh đăng kèm bài viết là về bệnh sán dây ở lợn, xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11-2018, được lấy lại từ nhiều báo điện tử. Thông tin về việc dịch tả lợn châu Phi không lây sang người cũng được các nhà khoa học khẳng định. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin- Truyền thông) yêu cầu chủ sở hữu trang facebook nói trên lên làm việc về hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng xã hội facebook.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ dành cho trẻ em trên phố Đình Đông, phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền), việc chia sẻ thông tin thời sự nóng, thông tin vui nhộn, hài hước hay những vấn đề nhiều người quan tâm… trên mạng xã hội là cách nhiều cá nhân kinh doanh online sử dụng để tăng độ tương tác, qua đó thu hút khách và tăng doanh thu. Tuy nhiên, bên cạnh việc đăng lại thông tin chính xác từ những báo điện tử, trang thông tin uy tín, nhiều người còn cố tình cắt ghép, đưa lên mạng những thông tin giật gân, câu khách, không đúng sự thật. Những diễn biến chung quanh dịch tả lợn châu Phi hiện cũng đang bị nhiều cá nhân lợi dụng để câu view.

Để ngăn chặn việc thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dự luận, đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những người có hành vi như trên. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ, không đăng tải, chia sẻ những thông tin không kiểm chứng lên mạng xã hội.

NHƯ VÂN

http://www.baohaiphong.com.vn

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xử lý những cá nhân thông tin sai về dịch tả lợn Châu Phi: Bài học cho việc tung tin thất thiệt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác