PV: Xin ông cho biết hiện trạng, nguyên nhân tái diễn “xe dù, bến cóc” trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh cổ định Hải Phòng – Quảng Ninh thời gian gần đây ?
Ông Hoàng Tiến Nam:
Từ giữa năm 2018, với mục đích hạn chế ùn ứ giao thông khu vực nội thành, UBND thành phố ra Quyết định số 126/QĐ-UBND điều chỉnh hành trình của 255 chuyến/ngày xe ô tô chở khách (tương ứng 510 lượt xe/ngày) trên các tuyến vận tải khách từ các bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Đồ Sơn, Tiên Lãng, An Lão không đi vào đường mà điều chỉnh theo đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Cầu An Đồng, ra đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 10…
Trong quá trình thực hiện, một số xe ô tô chở khách thuộc diện điều chuyển không thực hiện nghiêm túc đã dùng các chiêu trò chạy sai luồng tuyến, sai lộ trình thậm chí bỏ bến, bỏ tuyến để chạy lòng vòng quay về các bến cũ hoặc đậu đỗ lập bến trái phép để tranh giành khách, gây mất ANTT, tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT, nhất là trên các tuyến vận tải khách cố đị từ các bến xe Hải Phòng – Quảng Ninh và ngược lại. Cụ thể, tại Quyết định 126/QĐ-UBND, có 129 chuyến xe được cấp phép hoạt động trên tuyến vận tải khách từ bến xe Lạc Long có hành trình tới các bến xe thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn buộc phải điều chuyển về Bến xe Thượng Lý. Rồi có tình trạng xe ô tô đang hoạt động trên tuyến vận tải khách cố định từ bến xe Cầu Rào, Niệm Nghĩa đi các tỉnh phía Nam (từ Nghệ An đến Thành phố Hồ Chí Minh và đi Hải Dương, Hưng Yên) cũng được đưa về bến xe Thượng Lý. Đến nay, có 43 doanh nghiệp thực hiện việc điều chuyển, với 220 đầu xe, tần suất hoạt động 173 chuyến/ngày, đạt 95% yêu cầu của QĐ 126. Còn lại 9 doanh nghiệp, với 10 xe, tần suất 9 chuyến/ngày không thực hiện việc điều chuyển về bến mới mà xin dừng khai thác nhưng thực chất đưa là doanh nghiệp đưa xe ra ngoài bến đề hoạt động “chạy dù” bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh với những xe chấp hành nghiêm việc điều chỉnh nói trên, gây bức xúc dư luận…
Vấn đề này được Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Đức Thọ đặc biệt quan tâm và đã có những chỉ đạo phòng, ban nghiệp vụ và lực lượng Thanh tra GTVT làm rõ, xử lý nghiêm. Tới thời điểm này, lực lượng chức năng đã xác định có khoảng 40/128 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh Thượng Lý – Quảng Ninh làm ăn nghiêm túc, chấp hành tốt lịch trình giờ chạy, nốt, tuyến. Số còn lại hoạt động thất thường, thường xuyên bỏ tuyến dài ngày hoặc có chạy nhưng bỏ nốt để hoạt động “xe dù”, “bến cóc” trên các tuyến chở khách Hải Phòng – Quảng Ninh.
PV: Cách nhận diện xe ô tô chở khách “chạy dù” trên tuyến này như thế nào thưa ông?
Ông Hoàng Tiến Nam: Có 2 loại xe dù đang hoạt động bất hợp pháp trên tuyến gồm: xe ô tô chở khách theo hợp đồng tham gia chở khách tuyến “trá hình” và xe vận tải khách trên tuyến cố định liên tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh không chấp hành việc điều chuyển từ bến xe Lạc Long về bến Thượng Lý vi phạm. Cụ thể, xe ô tô chở khách theo hợp đồng được cấp phù hiệu “Xe chạy hợp đồng”; theo quy định xe hợp đồng không phải đăng ký bến, tuyến và mối quan hệ ràng buộc giữa chủ xe và hành khách thuê xe thông qua bản hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải… Vì vậy, chủ xe lợi dụng điểm này để bắt khách dọc đường giống như xe ô tô trên các tuyến vận tải khách cố định. Sau khi khách lên xe thì lấy tên, tuổi, địa chỉ ghi vào trong hợp đồng có sẵn trên xe để đối phó với lực lượng chức năng thành, kiểm tra. Loại xe vận tải khách trên tuyến cố định liên tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh không chấp hành việc điều chuyển từ bến xe Lạc Long về bến Thượng Lý đã xin dừng khai thác tuyến mà thực chất là thay đổi hình thức hoạt động từ tuyến vận tải cố định sang dạng xe hợp đồng “trá hình” để chạy dù đón trả khách ở khu vực ngoài bến Lạc Long.
Ngoài ra còn tình trạng, doanh nghiệp có xe chở khách đang khai thác trên tuyến xin giảm số lượt chuyến đã đăng ký với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quản lý bến để đưa xe ra chạy dù, đón trả khách trái phép gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện trạng xe dù tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh chạy lòng vòng tranh giành khách diễn ra phức tạp trên đoạn khu vực từ Ngã ba Xi măng đến chân cầu Bính. Việc chèo kéo diễn ra thường xuyên; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhà xe đã gây mất trật tự, an toàn giao thông. Ngoài các xe vận tải kể trên, hàng loạt xe mặc dù đã “đóng lệnh” ở Bến xe Thượng Lý nhưng vẫn “quen đường cũ”: chạy quay ngược lại khu vực Bến xe Lạc Long, đường Nguyễn Tri Phương, đường Cù Chính Lan… để đón khách.
PV: Xin ông cho biết kết quả đợt cao điểm xử lý xe ô tô chở khách trên các tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh?
Ông Hoàng Tiến Nam: Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã xây dựng Kế hoạch số 17/KH-TTGTVT (ngày 31-1-2018) về đảm bảo TTATGT tại các khu vực bến xe khách Thượng Lý, Lạc Long. Mục đích của kế hoạch này là thực hiện đợt cao điểm bảo đảm TTATGT. Cụ thể là kiểm tra các điều kiện xuất bến; kiểm tra việc cấp hành các quy định về vận tải khách đường bộ của các xe khách đi và đến Hải Phòng tại các bến xe khách Thượng Lý và Lạc Long; xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành phương án sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải khách cố định bằng xe ô tô theo Quyết định số 126/QĐ-UBND nói trên. Theo đó, Thanh tra giao thông vận tải xác định địa điểm, vị trí, cung đường phức tạp về vận tải khách tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh như: khu vực cổng các bến xe khách Lạc Long, Thượng Lý; trên các tuyến Nguyễn Tri Phương; Bạch Đằng, đường dẫn cầu Bính. Tại mỗi vị trí này đều được bố trí các tổ công tác trực chốt, tuần tra, kiểm tra vào các khu giờ khác nhau, đặc biệt vào các giờ cao điểm hoạt động xe khách. Để tạo điều kiện cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm, Sở GTVT đã cắm biến cấm xe khách từ 16 ghế ngồi trở lên (trừ xe ô tô chở khách chạy trên các tuyến cố định) hoạt động trên các tuyến phố như: Bến Bính, Tam Bạc, cầu Lạc Long…
Riêng từ ngày 11-2 đến nay, Đội Thanh tra giao thông số 5 đã kiểm tra, xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm với các lỗi như: vận chuyển hành khách theo tuyến cố định nhưng không có xác nhận của bến xe trong sổ nhật trình; vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng không có danh sách hành khách; chở người không có tên trong danh sách hành khách theo quy định; đỗ xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”… những trường hợp này đều là “xe dù, bến cóc”. Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực vận tải khách trên tuyến, Thanh tra giao thông vận tải đang báo cáo, đề xuất Giám đốc Sở Giao thông vận tải có biện pháp thu hồi phù hiệu đối với các trường hợp vi phạm./.
PV; Xin cảm ơn ông!
Đoàn Lanh thực hiện
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More