Gia tăng tình trạng đi lùi
Chỉ trong buổi sáng 23-6 vừa qua, từ hệ thống ca-mê-ra giám sát giao thông thông minh, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Khai thác đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuộc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Ðầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã phát hiện ba trường hợp lùi xe trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do vượt quá lối ra tại các nút giao, gồm các xe có BKS: 70B – 018.56 (Tây Ninh), 30E – 773.59 (Hà Nội) và 14A – 162.03 (Quảng Ninh). Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 21-6, VIDIFI phát hiện xe ô-tô BKS 18A-150.73 di chuyển theo hướng Hải Phòng đi Hà Nội đã lùi từ làn số 2 tại lý trình Km74+300 về nút giao quốc lộ 10 trái tuyến. Theo dữ liệu hình ảnh do ca-mê-ra ghi lại, xe ô-tô đi lùi đã suýt bị một xe bồn và một ô-tô khác tông phải.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Khai thác đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường này được bố trí đầy đủ biển báo hiệu trước các nút giao thông theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cụ thể, trước các nút giao thông bố trí hai biển chỉ dẫn từ xa, lần lượt cách nút giao 2 km và 1 km. Trước nút giao 500 m, bố trí một biển nhắc lại và một biển chỉ hướng tại lối rẽ giao cắt với đường cao tốc, các biển báo có tầm nhìn rõ theo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trên đường cao tốc như đi lùi xe, ngược chiều, dừng đỗ,… đang có xu hướng gia tăng. Giám đốc Công ty Ðỗ Văn Thuần cho biết: “Việc đi lùi xe, đi ngược chiều hoặc dừng đỗ trên đường cao tốc sẽ gây ra những rủi ro rất lớn cho chính người điều khiển xe lẫn các phương tiện khác khi tốc độ di chuyển rất cao. Ðối với các xe vi phạm, VIDIFI đã và đang phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định”.
Liên quan thực trạng này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đánh giá, hành vi đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc đang diễn biến phức tạp và ngày càng nhiều, hầu hết đều do đi quá điểm thoát ra khỏi cao tốc. Sau khi xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khiến bốn người chết (hiện đang trong quá trình điều tra xét xử), thực tế vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Dường như một số lái xe bị “nhờn luật”, không biết sợ, vẫn lùi xe hoặc đi ngược chiều. Ðây là điều đáng báo động và cần xem xét tổng thể. “Lái xe đi lùi trên cao tốc đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT, đe dọa tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông trên tuyến vì loại đường này cho phép phương tiện lưu thông tốc độ cao, chỉ cần không tuân thủ quy tắc, sẽ xảy ra các vụ va chạm, hậu quả TNGT để lại thường rất thảm khốc”, TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh. Thực tế các lái xe đang lưu thông trên đường cao tốc không thể hình dung và chuẩn bị đối phó tình huống phương tiện khác bất ngờ đi lùi ngược chiều xe chạy và thông thường sẽ không kịp phản ứng.
Cần chú ý quan sát biển báo
Từ hiện tượng xe đi lùi có chiều hướng tái diễn phức tạp, các chuyên gia ATGT đề nghị cơ quan chức năng và đơn vị quản lý tuyến đường cần tăng cường tuyên truyền người dân, hiệp hội vận tải ô-tô về việc chấp hành đúng quy định pháp luật cũng như các kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường cao tốc. Theo ý kiến của nhiều lái xe, việc đi lùi hay ngược chiều trên đường là do kinh nghiệm lái xe còn non, khi chạy tốc độ cao khó quan sát biển báo, hoặc quá ít hay quá nhiều biển báo gây rối loạn,… cho nên đi vượt quá nút giao cắt. Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định, trong mọi trường hợp, lái xe cần tập trung chú ý quan sát biển báo, giảm tốc độ khi chuẩn bị đến nút giao cắt. Ngoài ra, lái xe gia đình hoặc người không quen đường cần tìm hiểu lộ trình trước khi xuất phát. Ðiện thoại thông minh hiện nay khá phổ biến, lái xe nên cài đặt phần mềm hướng dẫn đường đi bằng lời nói để hỗ trợ tốt hơn cho mình trong quá trình di chuyển trên đường. Các đơn vị chức năng cần làm tốt hệ thống bản đồ số, thường xuyên cập nhật về làn đường, biển báo, tích hợp trong cơ sở dữ liệu để hỗ trợ lái xe biết lộ trình nào nhanh nhất, khi sắp tới nút giao, rẽ trái hay phải,…
Hiện nay, các đơn vị quản lý đường cao tốc đã thực hiện khá tốt hệ thống báo hiệu, tuy nhiên hệ thống biển báo đạt quy chuẩn của nước ta vẫn chưa thật sự đầy đủ về hướng dẫn thiết kế, lắp đặt và từng tuyến đường có biển báo chưa thống nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, hệ thống biển báo đường bộ ở nước ta chú trọng về biển báo cấm, trong khi tỷ lệ biển báo hướng dẫn (có tác dụng tốt đối với lái xe) lại bị coi nhẹ. Ngoài ra, theo quy định, nội dung biển báo tại các nút giao cần hướng dẫn cho lái xe địa danh mang tên thành phố, tỉnh lỵ, huyện lỵ, nhưng một số nút giao được lấy tên không thống nhất. Chẳng hạn, nút giao trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Tổng công ty Ðầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) lấy luôn tên làng, tên xã cạnh nút giao (Liêm Tuyền, Ðại Xuyên). Một số nút giao trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai lại đặt tên bằng thuật ngữ kỹ thuật (từ IC 1 đến IC 20) gây khó hiểu, không thuận lợi cho các lái xe chưa thuộc đường.
Mức xử phạt quy định tại Nghị định 46/2016/NÐ-CP ngày 26-5-2016 đối với hành vi đi lùi cao nhất là 1,2 triệu đồng và tước bằng lái xe hai tháng nhưng các chuyên gia giao thông thừa nhận, đây là mức xử phạt không đủ sức răn đe. Nhiều nước trên thế giới đánh giá hành vi này có tính chất nguy hiểm, cần xử phạt rất nặng và lũy tiến nếu tái phạm. Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 46, trong đó sẽ bổ sung và tăng nặng mức phạt hành vi vi phạm có nguy cơ mất ATGT, gây bức xúc trong dư luận xã hội như đi lùi, chạy ngược chiều trên cao tốc. Cụ thể, dự thảo đang xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt hành vi vi phạm như quay đầu trên đường cao tốc, tăng từ 400 đến 600 nghìn đồng lên năm đến bảy triệu đồng, tước bằng lái xe 2 đến 4 tháng; lùi xe trên đường cao tốc tăng từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng lên 16 đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe năm đến bảy tháng; đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ bảy đến tám triệu đồng lên 16 đến 18 triệu đồng, tước bằng lái xe từ năm đến bảy tháng,…
Trực tiếp đi qua tuyến đường Mai Chí Thọ (TP Hồ Chí Minh) dẫn vào hầm Thủ Thiêm, tôi thấy, quãng đường khoảng 50 m mà mọc lên tới 20 biển báo, phần lớn là biển cấm thì lái xe không thể nhớ được hết. Một số quốc gia tiên tiến đang chuyển dần sang hướng dẫn giao thông trên mặt đường, các đơn vị quản lý đường bộ nên tham khảo, học tập kinh nghiệm này. Việc thông báo địa danh trên làn đường tại các nút giao rất hữu ích, nếu được áp dụng, chắc chắn sẽ hạn chế nhiều hành vi đi lùi, đi ngược chiều.
TS TRẦN HỮU MINH
Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia
MINH TRANG
Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…
Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…
Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…
Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Tối 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More