Bất bình trước cảnh một số đối tượng tự thả phao nhận bãi trên biển rồi bắt ngư dân “ăn chia” lượng don, dắt, nhám đánh bắt được, 15 ngư dân các phường: Hòa Nghĩa, Hải Thành (quận Dương Kinh), Bàng La, Hợp Đức (quận Đồ Sơn) làm đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi tới Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, các cơ quan chức năng, chính quyền liên quan.
Qua điều tra, xác minh bước đầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có văn bản trả lời các hộ dân khẳng định vụ việc có thật, việc các đối tượng thả phao, thu tiền là sai quy định của pháp luật. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ bước đầu vụ việc, bàn giao Công an quận Đồ Sơn điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quây phao nhận bãi “thu tô” 25% của ngư dân
Trở về nhà sau chuyến đi biển kéo dài hơn 8 tiếng, mặc dù khá mệt mỏi, nhưng gương mặt anh T., ngư dân quận Dương Kinh vẫn ánh lên niềm vui. Anh T. chia sẻ, hơn nửa tháng nay, khi cơ quan chức năng bước đầu vào cuộc điều tra, xác minh, các đối tượng không còn quây bãi “thu tô” như trước, anh cùng các ngư dân khác rất phấn khởi. Mọi người động viên nhau chăm chỉ làm ăn, chia sẻ “lộc biển”, yên tâm vươn khơi bám biển.
Liên quan đến vụ việc quây bãi “thu tô”, anh T. cho biết, anh cùng hàng chục ngư dân các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh làm nghề khai thác don, dắt (loại nhuyễn thể 2 mảnh sinh sống chủ yếu ở khu vực cửa biển, được các thương lái thu mua bán cho các hộ nuôi tôm, cua – PV) từ hơn 10 năm trước. Thời gian gần đây, các ngư trường gần bờ lượng don, dắt giảm. Cuối năm 2019, trong quá trình đi tìm ngư trường mới, anh cùng một số ngư dân phát hiện khu vực ngoài khơi cách đảo Dấu khoảng hơn 10km, ở độ sâu khoảng 10 mét khi triều cường, hơn 5 mét khi triều xuống có rất nhiều con nhám (loại nhuyễn thể giống con don, con dắt – PV).
Biết được chuyện ngư dân phát hiện ngư trường có nhám, một thương lái ở quận Đồ Sơn đặt vấn đề thu mua. Tuy nhiên, ngày 22-2-2020 (29 tháng Giêng năm Canh Tý 2020), khi ngư dân ra khai thác, trên mặt biển khu vực này xuất hiện phao quây bãi. Một số đối tượng đi ca-nô ra bảo đây là khu vực họ quây nuôi, ngư dân phải “ăn chia”, họ mới cho vào khai thác. Thông qua thương lái, các đối tượng này buộc ngư dân đóng 40% giá trị sản phẩm đánh bắt được, mỗi tháng thu 2 lần. Số tiền này thương lái trừ vào tiền mua, giữ lại trả cho họ. Do ngư dân phản ứng gay gắt, các đối tượng đồng ý giảm xuống còn 25%. Những ngày sau đó, khi ngư dân ra khai thác, các đối tượng kể trên lại đi ca-nô ra ghi lại, đồng thời đe dọa “xử lý” nếu không chấp nhận “nộp tô”. Theo lời thương lái thu mua nói với ngư dân, trong 2 ngày 22 và 23-2, các đối tượng lấy 20 triệu đồng tiền “ăn chia”, hẹn đến ngày 8-3 sẽ thu tiếp. Ngư dân khai thác trong 14 ngày, đến ngày 6-3-2020 thì ngừng do quá bức xúc. Đến ngày 12-3, 15 ngư dân viết đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Xử lý nghiêm các đối tượng “ăn chặn”
Nhận được đơn tố cáo và kêu cứu của 15 ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Đồ Sơn, Đồn Biên phòng Đoàn Xá tiến hành xác minh, điều tra.
Ngày 30-3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có văn bản trả lời ngư dân. Văn bản nêu rõ: “Qua điều tra, xác minh ban đầu, sự việc nêu trong đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp của 15 ngư dân là có thật. Các trường hợp Nguyễn Đức Hòa, trú tại Tổ dân phố số 8, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn), Đặng Văn Bốn, trú tại Tổ dân phố Tân Tiến, phường Tân Thành (quận Dương Kinh), Nguyễn Đăng Kiên (Khánh), trú tại Tổ 4, phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) đã tự thả phao nhận nuôi con don, dắt, nhám, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc thỏa thuận thu tiền theo tỷ lệ % của Bốn, Hòa, Kiên với các ngư dân khai thác don, dắt, nhám là sai quy định của pháp luật. Xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, tuy nhiên xảy ra ở địa bàn thuộc Bộ đội Biên phòng quản lý, do vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Đồ Sơn và Đồn Biên phòng Đoàn Xá hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu vụ việc. Ngày 19-3-2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo Đồn Biên phòng Đồ Sơn bàn giao hồ sơ cho Công an quận Đồ Sơn tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên, đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn cho biết, nhận được hồ sơ phía Đồn Biên phòng Đồ Sơn bàn giao, Công an quận Đồ Sơn đã giao các đơn vị liên quan xác minh, điều tra. Quan điểm của Công an quận Đồ Sơn, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng, sẽ xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật để làm gương.
Không để vụ việc tương tự tái diễn
Đây không phải lần đầu một số đối tượng trên địa bàn quận Đồ Sơn và các quận, huyện lân cận quây bãi “thu tô” của ngư dân. Trước đó, tháng 6-2015, Báo Hải Phòng cùng một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng quây bãi “thu tô” 30-40% số sản phẩm khai thác được của ngư dân đánh bắt don, dắt tại khu vực bãi triều ngoài tuyến đê biển quốc gia Cầm Cập trên địa bàn 2 quận Dương Kinh và Đồ Sơn. Năm 2016, Báo Hải Phòng đăng loạt bài 2 kỳ phản ánh tình trạng quây bãi “thu tô” 30-40% ngư dân khai thác don, dắt. Qua phản ánh của báo chí, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, các vụ việc trên được xử lý, giải quyết.
Tuy nhiên, tình trạng này không được chấm dứt triệt để, tiếp tục tái diễn. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ quận Đồ Sơn, mà các vùng biển, bãi triều ngoài khơi huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh, quận Hải An… hiện tồn tại hàng chục “lãnh địa” riêng do một số đối tượng cắm cọc, thả phao quây bãi trái phép nuôi ngao, don, dắt. Có thể kể đến vùng biển ngoài khơi phường Bàng La, phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn), phường Tân Thành (quận Dương Kinh), phường Tràng Cát (quận Hải An), các xã Đoàn Xá, Đại Hợp (huyện Kiến Thụy)… Tại “lãnh địa” của mình, các đối tượng có “luật riêng”: Cấm ngư dân vào khai thác, nếu khai thác, phải “ăn chia”.
Trước thực trạng này, đề nghị chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa: tổ chức tháo dỡ các khu vực quây bãi trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm làm gương, tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra nắm tình hình, công khai các số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh của ngư dân về hành vi vi phạm pháp luật trên biển… Có như vậy mới tạo lập, giữ vững bình yên trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.
Bài và ảnh: Kim Bôi