“Báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp
Theo đánh giá của cơ quan QLNN, về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, có hình thức trình bày (giao diện), nội dung thông tin cố tình gây hiểu lầm là báo; phóng viên, nhà báo tác nghiệp ngoài phạm vi lĩnh vực, tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động của tạp chí hoặc đăng tin “rửa nguồn” cho trang thông tin điện tử (TTĐTTH), dẫn đến liên kết nội dung trá hình, gây nên tình trạng tư nhân tác động, can thiệp vào hoạt động báo chí…
Về hình thức, thường là các tạp chí có logo gây hiểu lầm, măng séc ấn phẩm, giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi là “Tạp chí” nhưng chữ rất nhỏ; các chuyên mục thể hiện như báo (Thời sự, chính trị, điều tra theo đơn bạn đọc, phóng sự điều tra…); chuyên trang không thể hiện trực thuộc tạp chí, chuyên trang thể hiện độc lập với tạp chí, chỉ thể hiện thuộc cơ quan chủ quản.
Về nội dung, thường không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoặc phản ánh những nội dung, những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép; tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung, đưa thông tin một chiều. Hoặc tạp chí khoa học nhưng ít chú trọng vào những thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành…. Thực tế, đã xuất hiện hiện tượng một số tạp chí có biểu hiện “rửa nguồn” tin cho TTĐTTH, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất… Đáng lưu ý, hiện tượng này không chỉ thể hiện trên mặt báo, mà cả trong hoạt động tác nghiệp, như: Cấp giấy giới thiệu không thuộc phạm vi tôn chỉ mục đích, gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà; tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc…
Nhiều tạp chí thuộc Hội, Viện nghiên cứu chưa có tổ chức Đảng; Tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành nhưng mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương; số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí. Bên cạnh đó, hiện tượng một số tạp chí thực hiện “khoán” doanh thu từ các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết… nên nhiều phóng viên lợi dụng kẽ hở này để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp. Hoặc hiện tượng một số tạp chí “khoán” toàn bộ hoạt động cho đối tác liên kết, như: Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm, toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang. Một số tạp chí đặt máy chủ của trang chủ và máy chủ của chuyên trang ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép, tạo kẽ hở trong quản lý nội dung.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã xử lý 39 trường hợp tạp chí vi phạm, với số tiền 1.427,1 triệu đồng; đình bản 03 tạp chí; thu hồi 03 thẻ nhà báo. Trong năm 2021, đã có 14 đơn thư phản ánh về hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; 146 đơn thư liên quan đến tin bài của các tạp chí. Chỉ tính riêng trong Quý I/2022 đã có 24 đơn thư liên quan đến tin bài của tạp chí, 01 tin bài về hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Mặc dù vậy, đến nay tình trạng “báo hóa tạp chí” điện tử vẫn còn tiếp diễn.
Cùng với tình trạng “báo hóa tạp chí” điện tử như đã nêu, tình trạng “báo hóa” TTĐTTH vẫn còn tiếp diễn. Nhiều trang tin điện tử tổng hợp tiếp tục sử dụng tên miền nhằm gây hiểu lầm là cơ quan báo chí, thiết kế giao diện, chuyên mục như báo điện tử, tổng hợp tin, bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân, câu view; tự sản xuất tin bài như báo chí rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang tin điện tử tổng hợp đăng tải lại ngay để hợp thức hóa nguồn tin… Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan QLNN, tình trạng “báo hóa” ở các mạng xã hội vẫn đang tồn tại. Biểu hiện ở việc thiết kế giao diện, chuyên mục, sản xuất, tổng hợp tin bài, họat động như trang tin điện tử tổng hợp, báo điện tử; có số lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên, cộng tác viên… nguyên nhân là do các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”.
Tại buổi tọa đàm, đại diện cơ quan chủ trì đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng này.
Đề xuất giải pháp chấn chỉnh hiện tượng “báo hóa” tạp chí
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết: Vấn đề “báo hóa tạp chí”, “tư nhân hóa báo chí” là các vấn đề chung của trên thế giới chứ không chỉ của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua Bộ TT&TT đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong việc quản lý nhà nước về báo chí, chấn chỉnh được các sai phạm về hoạt động báo chí. Liên quan đến hình thức và măng séc trình bày cần có tiêu chí để có sự so sánh giữa báo và tạp chí, không đánh tráo khái niệm.
Để quản lý tốt hoạt động của báo chí, ngăn chặn tình trạng “tư nhân hóa báo chí”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo kịp với thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, cần nghiên cứu thành lập Hội đồng chuyên môn (thuộc Bộ TT&TT) để xử lý các vấn đề này thông qua các bộ tiêu chí và được truyền thông rộng rãi ra toàn xã hội. Cùng quan điểm với PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, liên quan đến vấn đề “tư nhân hóa báo chí”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề xuất thành lập Hội đồng xử lý (ở một số quốc gia có Hội đồng xử lý vi phạm thông tin trên Internet), nếu làm chặt thì “tư nhân hóa” trang tin điện tử sẽ giảm bớt.
Tại buổi tọa đàm, TS.Lê Hải (Tạp chí Cộng Sản) đã nêu ý kiến, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của lãnh đạo và phóng viên một số cơ quan báo chí chưa định hình được thế nào là tạp chí điện tử, dẫn đến sự “chệch đường ray”. Cần có biện pháp mạnh, xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo cao nhất trong cơ quan báo chí trong viêc thực hiện đúng chức năng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Tới đây, khi sửa Luật Báo chí và các văn bản luận liên quan cần có những điều khoản quy định chặt chẽ về trách nhiệm của tạp chí điện tử, tách bạch rõ tôn chỉ, mục đích của tạp chí, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tạp chí điện tử, tạp chí giấy hoạt động sai tôn chỉ, mục đích và hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”, phó mặc cho đối tác liên kết, quảng cáo gây nhiễu loạn thông tin. Bên cạnh đó, TS.Lê Hải cho rằng, cần có chính sách đặt hàng của nhà nước đối với các tạp chí để thực hiện nhiệm vụ chính trị và học thuật thay vì cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT sớm có văn bản hỗ trợ các Sở nhận diện trang trang tin điện tử tổng hợp không dùng tên miền nhầm lẫn với báo chí; để tránh tư nhân hóa báo chí, đặc biệt liên kết, bán trang, đề xuất là xem xét lĩnh vực được phép liên kết là gì; tiêu chí phân loại các tạp chí lý luận, chuyên ngành; phân cấp mạnh mẽ hơn công tác quản lý báo chí cho địa phương; sớm có các quy định rõ ràng để các Sở TT&TT thuận hơn trong việc triển khai thực hiện…
Xuân Lộc, Thảo Anh
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More