Chính do trăn trở trước điều này mà tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV vừa qua, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Còn một thực tế tồn tại lâu nay, đó là khi vận dụng pháp luật, xử lý đối tượng vi phạm có thái độ chống đối, cản trở, gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ, chiến sĩ CAND vẫn có lúc, có nơi xảy ra tình trạng thiếu chính xác, khẩn trương, để vụ việc kéo dài, đặc biệt mức án dành cho đối tượng vi phạm lại không tương xứng với hành vi…
Dư luận cả nước vẫn nhớ vụ xảy ra tối 15-4-2017 tại khu vực Trạm thu phí cầu Đồng Nai làm Thiếu tá CSGT Lê Quang Minh, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai tử vong. Gần 3 tháng sau vụ việc, TAND TP Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt tài xế Thống 6 năm tù. Đến cuối tháng 10-2017, TAND tỉnh Đồng Nai tại phiên phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của tài xế Thống, tuyên phạt còn 2 năm 6 tháng tù giao vì tội “chống người thi hành công vụ”.
“Mức án vừa kể không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của tài xế Thống gây ra”. Đồng quan điểm với nhận định của VKSND tỉnh Đồng Nai, ngày 12-6-2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định kháng nghị. Cuối năm 2018, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao, tuyên tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Trong văn bản mới đây gởi đến VKSND các địa phương tham khảo rút kinh nghiệm, VKSND cấp cao phân tích rõ: Hành vi của tài xế Thống không phạm tội “chống người thi hành công vụ” do không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống lại, làm CSGT không hoàn thành được nhiệm vụ. Nguyên nhân chính làm Thiếu tá Minh tử vong là do lái xe Thống không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu của người điều khiển giao thông, điều khiển xe bỏ chạy để trốn tránh việc xử lý vi phạm.
Hành vi của Thống đã vi phạm khoản 23 Điều 8, Điều 10 và Điều 11 Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến hậu quả làm Thiếu tá Minh tử vong, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với tình tiết định khung tăng nặng là “Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 (có khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù).
VKSND cấp cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đánh giá không đúng các tình tiết khách quan và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án; từ đó, dẫn đến sai lầm trong việc khởi tố, truy tố, xét xử. Cấp phúc thẩm khi xét xử đã không làm rõ, khắc phục vi phạm của cấp sơ thẩm mà chỉ tập trung vào việc xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo, dẫn đến không đúng tội danh, không đúng với chứng cứ đã thu thập trong vụ án, dẫn tới xử mức hình phạt quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa các tội phạm về giao thông và hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông xảy ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Trong nhiều vụ đối tượng cố tình đâm xe với tốc độ cao vào CSGT đang làm nhiệm vụ gần đây, người dân cả nước rất đồng tình với quan điểm xem xét, truy cứu trách nhiệm của đối tượng vi phạm về tội “giết người”.
Nhắc lại vụ Thượng úy Nguyễn Trọng Quý, cán bộ CSGT Công an huyện An Lão (Hải Phòng) khi đang làm nhiệm vụ đã bị đâm xe, hất tung, luật sư Đinh Thái Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho rằng hành vi của Đỗ Văn Thắng đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người quy định tại Điều 123 BLHS 2015.Theo luật sư Hoàng, Thắng đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Xe máy được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ, nên người điều khiển phải ý thức rõ việc chạy xe với tốc độ cao sẽ gây nguy hiểm cho người khác.
Hậu quả của hành vi ấy có thể dẫn đến chết người nên Thắng bắt buộc phải ý thức được trách nhiệm an toàn khi tham gia giao thông.
Trong vụ việc xảy ra ở Gia Lai vào cuối tháng 7 vừa rồi, luật sư Võ Đan Mạch, Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha (đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với PV Báo CAND rằng, tài xế Hùng “phê” ma túy, không có giấy phép lái xe, lái phương tiện đã hết hạn đăng ký, chở lậu 200kg gỗ quý đã bị CSGT ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Tuy nhiên, Hùng không dừng lại mà bỏ chạy, sau đó bất ngờ tông thẳng vào tổ CSGT đang chặn bắt, hành vi này đã khiến Đại úy CSGT Nguyễn Đức Nhã bị thương.
“Với hành vi nguy hiểm này, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Hùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người”, luật sư Mạch nói.
Nhìn nhận vấn đề ở vụ việc chống người thi hành công vụ (do Công an tỉnh Gia Lai hiện đang điều tra làm rõ về tội danh này của Hùng – PV), dẫn nội dung Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội,…) và Điều 330 BLHS 2015, luật sư Mạch băn khoăn khi quy định của pháp luật hiện chưa có lằn ranh rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự; chế tài lại chưa đủ sức răn đe.
“Tài xế Hùng là quá liều lĩnh, nguy hiểm, do đó có căn cứ để xác định đó là hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sẽ khó khăn cho việc xác định hành vi vi phạm đó đã đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa? Bởi theo như các quy định trên có thể thấy hành vi chống người thi hành công vụ bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự là… tương tự nhau.
Điểm phân biệt giữa xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự có lẽ chỉ nằm ở mức độ nguy hiểm của hành vi. Tuy nhiên, cả 2 quy định đều không đưa ra được hành vi diễn ra ở mức độ nào sẽ bị xử lý hành chính và mức độ nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, sẽ có những trường hợp khó có thể xác định được hình thức xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ”, luật sư Mạch nói.
Luật sư Mạch cũng chỉ ra một thực trạng đáng ngại hiện nay đó là nhận thức của một bộ phận người dân còn rất hạn chế, dễ bị kích động, dẫn đến có những hành vi vượt quá mức cần thiết. Bên cạnh đó, công tác nghiệp vụ, kỹ năng thi hành công vụ của lực lượng chức năng chưa đồng bộ; cơ chế kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, phối hợp và điều kiện đảm bảo thi hành công vụ, việc đưa ra những phương án hiệu quả để ứng phó linh hoạt trước những hành vi bất ngờ của người dân còn khá hạn chế.
Đối với hành vi của tài xế Hùng, nếu xét riêng hành động không dừng lại khi nhận được hiệu lệnh dừng kiểm tra của CSGT thì đây đã là hành vi chống người thi hành công vụ. Theo điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định này chỉ mang ý nghĩa là hình thức xử phạt.
Trên thực tế, khi hành động này diễn ra, CSGT không thể tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời (như giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật; yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó;…). Điều này vô hình chung đã làm cho hành động của người có hành vi vi phạm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
“Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, các cơ quan thẩm quyền cần cụ thể hóa các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ. Trong quá trình trấn áp, Công an phải có các biện pháp nghiệp vụ để cán bộ, chiến sĩ không bị thương, hạn chế rủi ro. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật (pháp luật phải rõ ràng, đủ sức răn đe để giáo dục chung – PV), nâng cao nghiệp vụ, thẩm quyền của người thi hành công vụ và nâng cao nhận thức của công dân về việc tuân thủ pháp luật.
Tôi cho rằng, đây chính là ba yếu tố tiên quyết để tạo nên “chiếc kiềng ba chân” vững chắc, giải quyết được những cái khó trong việc xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, nói chung, lực lượng CAND nói riêng; qua đó, góp phần tạo nên một xã hội kỷ cương, kỷ luật, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và lành mạnh phục vụ xây dựng, phát triển đất nước”, luật sư Võ Đan Mạch nói.
Tại Chỉ thị số 39/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, ban hành 10-2017, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TANDtối cao và VKSND tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xét xử lưu động một số vụ án điểm về chống người thi hành công vụ, nhất là các vụ án có đối tượng coi thường pháp luật, làm người thi hành công vụ hy sinh hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng thực thi công vụ, nhất là các trường hợp bị thương hoặc hy sinh khi thi hành công vụ. Chủ động bố trí, trang bị hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật cho các lực lượng thuộc quyền quản lý để đảm bảo thi hành công vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Thái Bình – H.Hương
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
Sáng 27/12, tại địa chỉ số 62 Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, Sở Thông…
Sáng 27/12, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của…
Sáng 27/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Thành…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More