Pháp luật

Xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư: Cần giải pháp rõ ràng, quy trình cụ thể

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/8/2022, quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị phạt tới 160 triệu đồng đối với cá nhân; 320 triệu đồng với tổ chức. Chế tài mạnh, nhưng để ô nhiễm tiếng ồn không còn nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân, cần có giải pháp cụ thể trong xử lý, chấn chỉnh vi phạm.

Bức xúc vì tiếng ồn

Hơn 22 giờ ngày 8/9, dù là ngày giữa tuần, nhưng nhà hàng xóm anh Nguyễn Quang Huy, ở tổ dân phố 14, phường Đằng Hải (quận Hải An) vẫn xập xình tiếng nhạc, tiếng hát karaoke. Bé Minh (con trai anh Huy), năm nay học lớp 4, nhăn nhó vì không thể tập trung làm bài tập về nhà. Anh Huy bức xúc: “Hàng xóm tổ chức Trung thu, tụ tập đông người, ăn uống trò chuyện ầm ầm cả tối, rồi chuyển sang hát karaoke. Đây là ngày giữa tuần, trẻ nhỏ cần học hành, làm bài tập về nhà. Bản thân tôi đi làm cả ngày, buổi tối chỉ mong không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng bị tiếng nhạc, tiếng hát karaoke từ nhà hàng xóm “tra tấn”, cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bực bội”.

Cũng khổ sở vì tiếng ồn, nhiều hộ dân sinh sống ở khu L4B khu chung cư Hoàng Huy Pruska Town, xã An Đồng (huyện An Dương) bức xúc khi một số gia đình mang cả loa kéo ra bãi cỏ giữa hai khu nhà để hát karaoke cả tối. Anh Nguyễn Đình Vương, ở khu chung cư chia sẻ, tiếng nhạc, tiếng hát qua loa kéo vọng âm khiến các hộ ở cả 4 dãy nhà chung quanh khốn khổ. Anh không dám mở cửa ban công để ngăn tiếng ồn vào nhà. Nhiều người phản ánh với Ban Quản trị khu chung cư, nhưng chỉ được vài hôm, mọi việc lại đâu vào đấy. Còn chị Phạm Thị Hường, ở khu LA4 khu chung cư Hoàng Huy Pruska Town từng bị khủng hoảng tinh thần một thời gian dài khi nhà hàng xóm cứ tầm 9-10 giờ đêm mới bắt đầu khoan, đục, sửa chữa nhà. Đáng chê trách hơn là dù nhiều hộ chung quanh góp ý, nhưng hộ gia đình này không tiếp thu mà còn có thái độ thách thức hàng xóm.

Từ bức xúc vì tiếng ồn trong khu dân cư, không ít vụ xô xát, cự cãi giữa các hộ gia đình xảy ra. Tháng 3/2022, khi sang góp ý việc tổ chức hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình mình, bà Nguyễn Thị H., 83 tuổi ở xã An Tiến (huyện An Lão) bị hàng xóm lao vào đánh tới mức phải nhập viện. Đáng nói là thời điểm đó, bà H. cùng chồng đều đang bị COVID-19, phải điều trị tại nhà. Tiếng nhạc, tiếng hát karaoke quá to khiến ông bà không thể ngủ được, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Đường dây nóng Báo Hải Phòng cũng nhiều lần nhận được phản ánh của người dân phố Tam Bạc, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) về hành vi mở nhạc bằng loa công suất lớn thâu đêm tại nhiều quán bar, pub dọc tuyến phố này.

Một số người dân khu chung cư Hoàng Huy Pruska Town mang loa kéo ra hành lang, bãi cỏ hát karaoke gây phiền tới các hộ chung quanh (ảnh cắt từ video clip).

Kiên quyết xử lý

Phiền phức là vậy nhưng trên thực tế, việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố hiện chưa đạt hiệu quả rõ nét. Người dân khi bức xúc trước hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn của hộ hàng xóm hoặc các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, hàng quán… thường phản ánh tới chính quyền địa phương hoặc cán bộ thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, để xử phạt thì phải xác định được hành vi gây ồn ở mức độ nào thông qua việc đo đạc thực tế. Trong khi đó, cấp chính quyền cơ sở, cán bộ thôn, tổ dân phố không có chuyên môn, cũng như không được trang bị thiết bị phục vụ việc đo đạc này. Khi nhận được kiến nghị của người dân, chính quyền cơ sở chủ yếu là tiến hành hòa giải, vận động hộ gia đình bị phản ánh chấm dứt việc làm ồn để không ảnh hưởng tới các hộ chung quanh.

Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đàm Văn Quỳnh, việc quan trắc, đo đạc để xác định mức độ vi phạm của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế không đơn giản. Bởi người vi phạm dễ dàng dừng hành vi gây ồn khi phát hiện lực lượng chức năng tới xử lý. Luật sư Đào Văn Bảy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành (Đoàn Luật sư Hải Phòng) nêu rõ, Điều 68 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định: Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn mình quản lý, tùy mức độ vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn trong việc đo đạc mức độ gây ồn khiến việc xử lý của các cấp chính quyền gặp vướng mắc, hiệu quả chưa cao.

Trên thực tế, tại một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh khá tốt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư thông qua việc huy động lực lượng cảnh sát môi trường, công an các địa phương kiểm tra, xử lý thường xuyên, liên tục. Theo ông Quỳnh, đó là kinh nghiệm hay, có thể áp dụng tại Hải Phòng vì lực lượng công an, cảnh sát môi trường có thuận lợi là được phép mật phục để kiểm tra, nên dễ dàng tiến hành đo đạc, xác định mức độ vi phạm, làm căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn đối với sức khỏe, đời sống mọi người, từ đó xây dựng ý thức cùng gìn giữ không gian sống yên tĩnh, giảm thiểu vi phạm về việc gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư./.

Thành Lê

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thống nhất các nội dung trình Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI

Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…

28/12/2024

Sắp xếp 21 trụ sở sau sáp nhập tại Thủy Nguyên, Hải Phòng

Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…

27/12/2024

Bế mạc diễn tập thực chiến năm 2024

Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…

27/12/2024

Công ty Cổ phần chứng khoán Hải Phòng bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…

27/12/2024

Tuyên tử hình 27 bị cáo trong đường dây ma túy do Oanh “Hà” cầm đầu

Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…

27/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More