3 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Xây dựng và các quận, huyện kiểm tra, rà soát 547 công trình xây dựng, phát hiện 17 trường hợp vi phạm, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng còn diễn biến khá phức tạp…
Hơn 70% số vụ vi phạm không có giấy phép xây dựng
Thông tin từ Sở Xây dựng, trong số 17 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố được phát hiện trong 3 tháng đầu năm 2024, có 1 trường hợp sai phép, 12 trường hợp không có giấy phép xây dựng (GPXD), 4 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ việc vi phạm gấp hơn 4 lần. Với các vụ vi phạm, Thanh tra Sở phối hợp chính quyền các quận, huyện lập biên bản và ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền xử phạt hơn 755,7 triệu đồng.
Một số địa phương có số lượng công trình xây dựng vi phạm nhiều như: Quận Ngô Quyền, quận Đồ Sơn, quận Dương Kinh và huyện An Dương. Trong đó, quận Ngô Quyền là địa phương có số công trình vi phạm nhiều nhất là với 7/14 trường hợp. Tuy nhiên, quận thực hiện xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm. Quận Đồ Sơn là địa phương đứng thứ 2 về số vụ vi phạm với 2 trường hợp xây dựng không phép và 4 trường hợp xây dựng trên đất không được xây dựng…
Theo Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Văn Quế, trong số các vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm chủ yếu không có giấy phép xây dựng với 12/17 trường hợp, chiếm hơn 70% số vụ. Bất cập hiện nay là nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép xây dựng nhưng do thửa đất của chủ công trình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp phép xây dựng. Trong khi người dân “rất ngại” xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và phải đóng nhiều thuế. Việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng hiện nay khá nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, chưa thuận lợi cho người dân. Nhất là với các công trình lớn, mặt các tuyến phố chính, quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng liên quan đến nhiều ngành, trong đó có thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế, ý kiến của các cơ quan chủ quản đối với công trình liên quan đến quốc phòng, hành lang đê, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ công trình giao thông…
Phối hợp xử lý dứt điểm các vi phạm
Từ kết quả công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn. Việc đôn đốc chính quyền các địa phương ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được Sở Xây dựng tập trung thực hiện và giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn hạn chế, khó khăn. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính từ năm 2023 đến nay, có 29 công trình vi phạm chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả triệt để. Trong đó, năm 2023 còn 21 trường hợp. Quý 1/2024 có 8 trường hợp. Với các trường hợp này, Sở Xây dựng đôn đốc, đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định ban hành. Trong trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không thực hiện, chính quyền địa phương xem xét phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh và tạo sức răn đe.
Bên cạnh đó, nhìn từ thực tế, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều phức tạp. Qua rà soát của Thanh tra Sở Xây dựng, có tình trạng công trình vi phạm nhưng địa phương chưa hoặc không lập hồ sơ xử lý. Công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm của chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi còn cả nể, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Nhiều trường hợp khi xây dựng công trình cố tình vi phạm, làm sai quy định…
Do đó, để thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Văn Quế cho rằng, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện thủ tục, quy định khi triển khai các công trình xây dựng. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc hơn quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng, từ đó, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị và địa phương trong tiếp nhận, xử lý thông tin, kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, hạn chế phát sinh các vụ việc vi phạm mới.
Bài: Ngọc Lan