Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có 13 đơn vị, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Tại thời điểm bỏ trốn, 13 doanh nghiệp này đang nợ BHXH của 139 lao động với số tiền 1,5 tỷ đồng, khiến người lao động khốn đốn.
Các cơ quan chức năng thành phố cần tăng cường thanh tra, kiểm tra tình trạng đóng BHXH của doanh nghiệp.
(ảnh minh họa)
Chủ doanh nghiệp biến mất, người lao động chịu thiệt
Công ty TNHH ILJO Việt Nam (trụ sở tại xã An Hưng, huyện An Dương) là công ty có 100% vốn Hàn Quốc, ngành nghề chính là giặt, mài quần áo, cung cấp dịch vụ giặt mài… cho các doanh nghiệp may của Việt Nam. Sau nhiều lần phải nộp phạt về hành vi xả nước thải công nghiệp không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, ông Shindonsik, Tổng giám đốc công ty biến mất một cách bất thường khiến 76 lao động của công ty không được trả lương, không được đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Chị Lương Thị Vân, ở xã An Hòa (huyện An Dương) cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm chung công ty, khi biết giám đốc bỏ về nước, tôi hoang mang không biết tiền lương, chế độ bảo hiểm của 2 vợ chồng sẽ như thế nào. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, tôi mới biết hằng tháng công ty vẫn trừ tiền lương để đóng bảo hiểm nhưng đến nay kiểm tra lại thì không hề thấy đóng. Ngay cả cuốn sổ bảo hiểm xã hội của 2 vợ chồng tôi cũng không biết đang ở đâu”.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Vân, anh Phạm Văn Linh, nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tân Hoàng Gia, ở địa chỉ phường Đa Phúc (quận Dương Kinh) cũng đang lo lắng làm sao lấy lại sổ bảo hiểm xã hội để cộng dồn số tháng đóng bảo hiểm xã hội ở công ty mới. “Khi biết chủ công ty bỏ trốn, tôi cũng như 26 lao động của công ty đều tìm mọi cách đòi quyền lợi cho mình nhưng vô ích. Tôi chủ động đi tìm công việc mới để ổn định cuộc sống nhưng không có sổ bảo hiểm trong tay, sợ không đóng nối đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi sau này” – anh Linh cho biết. Hiện, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tân Hoàng Gia nợ 453 triệu đồng với 26 lao động.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến chủ doanh nghiệp bỏ trốn do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ. Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn sẽ kéo theo việc người lao động bị nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN, sổ BHXH của người lao động dễ bị thất lạc. Do đó, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chốt sổ BHXH, giải quyết các chế độ BHXH, nhất là các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản.
Phối hợp để xử lý
Khó khăn hiện nay của cơ quan BHXH đó là chưa có chế tài xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Năm 2009, khi hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn rộ lên, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo đó, chính quyền địa phương ứng ngân sách trả lương cho công nhân có chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Hiện nay, chỉ mới có Thông tư liên tịch 06 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30. Ngoài ra, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, từ xác định khái niệm doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, trình tự giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ có liên quan BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… Bên cạnh đó, chưa kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước; nhất là việc trả lương, thưởng, nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Phó giám đốc BHXH thành phố Đào Xuân Hải cho biết: Nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, BHXH thành phố sẽ thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động đến thời điểm đơn vị đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN; đối với các trường hợp được chốt sổ BHXH, người lao động sẽ thực hiện các thủ tục để hưởng chế độ BHXH. Trong trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH (hưu trí…) sẽ được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm rõ thông tin những doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình trạng đóng BHXH của doanh nghiệp; đồng thời chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH với các cơ quan chức năng xử lý.
Mặt khác, cơ quan BHXH đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu để trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn xử lý đối với các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, không còn địa chỉ kinh doanh; cần xây dựng quy trình cụ thể để xử lý các trường hợp này, đồng thời có phương án xử lý tài sản của doanh nghiệp để ưu tiên trả các khoản tiền cho người lao động như lương, BHXH, BHYT, BHTN… nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng như thực hiện đúng các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Hoàng Xuân – Báo Hải Phòng 24/09/2018