Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:05

Để quản lý chất thải y tế hiệu quả, Luật Môi trường quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế. Tuy nhiên, qua kiểm tra đầu tháng 10- 2018, bên cạnh những cơ sở làm tốt, Sở Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn phát hiện một số cơ sở y tế chưa làm tốt công tác xử lý chất thải y tế do lãnh đạo bệnh viện chưa chú ý quan tâm.


Khu xử lý nước thải của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Ảnh: DIỆU HƯƠNG  

Chuyển biến chưa đồng đều

 


Theo Trưởng Phòng Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Việt- Tiệp Đoàn Văn Hiển, năm 2003, đơn vị là 1 trong 3 bệnh viện trên địa bàn thành phố trong danh sách cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường của Chính phủ, đến nay, bệnh viện là mô hình điểm của thành phố về xử lý chất thải y tế. Bệnh viện quan tâm làm tốt công tác này. Ban giám đốc giao Phòng Kiểm soát nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm chính về việc xử lý chất thải y tế, báo cáo giao ban hằng tuần. Trưởng các khoa điều trị chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về việc bảo đảm môi trường tại đơn vị mình. Việc phân loại chất thải y tế được làm nghiêm túc từ mỗi khoa, phòng. Từ năm 2006 đến nay, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện được đầu tư nâng cấp 2 lần bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đạt công suất 1600 m3/ ngày, đêm, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chủ động giám sát hệ thống này bằng điện thoại thông minh mỗi ngày…


Tại Bệnh viện đa khoa Lê Chân, dù đang gặp khó khăn về mặt bằng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng ban giám đốc bệnh viện luôn quan tâm đến công tác bảo đảm môi trường, xử lý rác thải y tế. Việc phân loại rác được quan tâm từ các khoa. Dù mặt bằng nhỏ (hơn 1003 m2), bệnh viện vẫn dành diện tích để xây dựng khu lưu trú rác thải y tế. Tại mỗi khoa, đều có túi phân loại rác với màu quy định cụ thể đối với chất thải rắn, chất thải có thể tái chế, chất thải sắc, nhọn. Bệnh viện ký hợp đồng với Công ty TNHH Toàn Thắng thu gom, xử lý chất thải.

Ngược lại với hai đơn vị trên, qua kiểm tra đầu tháng 10- 2018, Sở Y tế phát hiện Bệnh viện đa khoa Hải An dù mới xây dựng nhưng không có danh mục xử lý nước thải y tế, công tác xử lý rác thải y tế chưa được quan tâm. Bệnh viện Y học Hải Quân, chưa trang bị đầy đủ túi/thùng chứa/ đựng chất thải y tế nguy hại; các bệnh viện đa khoa Ngô Quyền, đa khoa An Dương chưa trang bị túi, thùng đựng chất thải y tế có vạch mức và biểu tượng theo quy định. 5 bệnh viện gồm: đa khoa Cát Bà, đa khoa Đồ Sơn, đa khoa Ngô Quyền, y học Hải quân, Bệnh viện Công an và Trung tâm Quân dân y Bạch Long Vĩ chưa trang bị xe vận chuyển chất thải rắn theo đúng quy định. 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện dù diện tích lớn nhưng đều chưa xây dựng nhà lưu trữ chất thải rắn…

 


Theo Trưởng Phòng Kế hoạch Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng Bạch Thị Thu Hà, đây đều là những tiêu chí dễ làm nhưng do lãnh đạo bệnh viện thiếu quan tâm nên không đầu tư. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn 26% số cơ sở y tế chưa thực hiện lưu giữ chất thải rắn theo đúng quy định; 16% chưa trang bị đầy đủ xe vận chuyển chất thải rắn đạt yêu cầu; 37% chưa thực hiện quan trắc nước thải y tế, 52,6% chưa thực hiện quan trắc môi trường không khí; 100% số bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Qua kiểm tra, Sở Y tế còn phát hiện có cơ sở y tế để lọt chất thải y tế nguy hại ra môi trường, 60% các cơ sở y tế chưa rõ đầu mối chịu trách nhiệm chính trong xử lý chất thải y tế.


Cần rõ đầu mối chịu trách nhiệm


Tại hội nghị bàn về công tác quản lý chất thải y tế do Sở Y tế tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh nêu các văn bản quy định rõ, cơ sở y tế phải có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí phân loại chất thải y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ xử lý chất thải bảo đảm quy chuẩn chất lượng môi trường, người đứng đầu bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo cơ sở y tế chưa quan tâm công tác này.


Để giải quyết các khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải y tế, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện cần tăng cường công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Các bệnh viện cần bổ sung nhân lực cho công tác xử lý chất thải y tế, rõ đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện công tác này.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tham mưu UBND thành phố ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường phối hợp liên ngành thanh kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế để bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý vi phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện. Hiện nay, ngành Y tế trình thành phố xin cơ chế, chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế; đồng thời có quy định sẽ phân cấp, phân quyền cho các đơn vị một cách triệt để, bảo đảm sự cạnh tranh trong việc thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế và quản lý chất thải y tế theo đầu ra. Sở tiếp tục tham mưu đề xuất UBND thành phố huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế gồm: ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương, ngân sách địa phương; xây dựng cơ chế hợp tác công tư nhằm huy động các nguồn xã hội hóa, vốn từ các dự án ODA. Cùng với đó, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng bệnh viện xanh- sạch- đẹp; đưa tiêu chí xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường vào tiêu chí chấm điểm đánh giá chất lượng bệnh viện để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại mỗi cơ sở y tế đối với công tác này.


HOÀNG YÊN – Báo Hải Phòng 16/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xử lý chất thải y tế tại các đơn vị, cơ sở: Cần rõ đầu mối chịu trách nhiệm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác